Vốn Nhật tăng tốc vào Việt Nam

Có 30 doanh nghiệp được chính phủ Nhật hỗ trợ đã chọn Việt Nam làm điểm đến mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh

Có 30 doanh nghiệp được chính phủ Nhật hỗ trợ đã chọn Việt Nam làm điểm đến mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh

Đây là thông tin được ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM, chia sẻ với Báo Người Lao Động ngày 4-12.

Điểm đến dẫn đầu ở ASEAN

Cụ thể, ở đợt công bố danh sách lần 2 các doanh nghiệp (DN) Nhật được chính phủ nước này hỗ trợ theo chương trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra các nước ASEAN, có thêm 15/30 DN chọn Việt Nam bên cạnh Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Myanmar và Campuchia... Đây là những DN lớn của Nhật thuộc lĩnh vực điện tử, sản xuất đồ bảo hộ, sản phẩm trong lĩnh vực y tế...

Theo JETRO, qua 2 đợt công bố, có 30/60 DN được chính phủ Nhật hỗ trợ đã chọn Việt Nam là điểm đến mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, chuỗi cung ứng... Kết quả này cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến được nhiều DN Nhật lựa chọn nhất.

Vốn Nhật tăng tốc vào Việt Nam - Ảnh 1.

Người tiêu dùng TP HCM mua sắm tại cửa hàng MUJI đầu tiên tại Việt Nam vừa khai trương hôm 27-11 Ảnh: Lê Vĩnh

Ông Hirai Shinji nhận định Việt Nam là một thị trường quan trọng nên các công ty Nhật rất muốn mở rộng đầu tư. Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức, Thủ tướng Suga Yoshihide cũng đã chọn Việt Nam, vì Việt Nam rất quan trọng. "Việc chuyển hoạt động sản xuất, kinh doanh đến nước nào là quyền quyết định của DN, chính phủ Nhật Bản không kêu gọi họ đến đây. Như tôi đã nói, chương trình này không nhằm di chuyển dây chuyền sản xuất mà là mở rộng, đa dạng hóa" - ông Hirai Shinji phân tích.

Ngay cả trước khi dịch Covid-19 khởi phát, Việt Nam đã là một địa điểm rất phổ biến với các DN Nhật Bản. Mỗi năm, không chỉ JETRO mà những viện nghiên cứu khác của chính phủ Nhật Bản cũng tiến hành khảo sát địa điểm mà DN Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh, trong đó Việt Nam là điểm đến nổi bật.

Như kết quả cuộc khảo sát của JETRO công bố hồi tháng 3-2019, cho thấy Việt Nam là lựa chọn phổ biến thứ 2 sau Trung Quốc nhờ những yếu tố như quy mô thị trường, tăng trưởng GDP ở mức cao... Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2020 Việt Nam có thể là nền kinh tế lớn thứ 4 ở châu Á. Hiện ngày càng nhiều DN Nhật liên hệ với JETRO để tìm hiểu thị trường Việt Nam. Vì thế, chắc chắn sau dịch Covid-19, xu hướng này sẽ còn diễn ra mạnh mẽ hơn.

Hấp dẫn các nhà bán lẻ

Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng với các DN Nhật về sản xuất và tiêu dùng. Chỉ riêng hoạt động bán lẻ, gần đây các thương hiệu lớn đến từ Nhật liên tục đầu tư và mở rộng quy mô ở Việt Nam.

Điển hình như thương hiệu thời trang Uniqlo nổi tiếng của Nhật trong chưa đầy 1 năm đã mở 6 cửa hàng quy mô lớn tại những vị trí đắc địa ở TP HCM và Hà Nội. Hoạt động kinh doanh của các cửa hàng này vẫn khá suôn sẻ bất chấp đại dịch Covid-19. Ông Osamu Ikezoe, Tổng Giám đốc Uniqlo Việt Nam, cho biết sự phát triển nhanh chóng của Uniqlo tại thị trường Việt Nam ghi nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo khách hàng. Trước đó, trao đổi với báo chí nhân dịp ra mắt cửa hàng đầu tiên, tỉ phú Tadashi Yanai (ông chủ Uniqlo) đã khẳng định Việt Nam là thị trường tiềm năng nhất Đông Nam Á, cũng là cơ sở sản xuất quan trọng hàng đầu của hãng này.

Mới đây nhất, MUJI - thương hiệu Nhật Bản nổi tiếng về các sản phẩm gia dụng và đời sống - đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Đây là cửa hàng MUJI lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nằm ở trung tâm quận 1, TP HCM, với danh mục hơn 5.000 mặt hàng từ thời trang đến thực phẩm. Ông Tetsuya Nagaiwa, Tổng Giám đốc MUJI Việt Nam, cho biết sau cửa hàng đầu tiên này, MUJI sẽ mở thêm một số cửa hàng nữa tại Việt Nam.

Ông Hirai Shinji đánh giá thị trường tiêu dùng ở Việt Nam ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật trong lĩnh vực bán lẻ, chủ yếu nhờ GDP bình quân đầu người tại Việt Nam đang gia tăng. Không chỉ Uniqlo, MUJI mà nhiều thương hiệu khác của Nhật cũng đang muốn hoạt động ở TP HCM. "Thời gian qua, có rất nhiều DN Nhật Bản đã nhờ JETRO hỗ trợ để bắt đầu hoạt động tại TP HCM nhưng vì dịch Covid-19 nên rất khó để họ triển khai kế hoạch đầu tư hoặc xây dựng cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam. Do đó, kỳ vọng làn sóng này sẽ mạnh hơn trong thời gian tới khi dịch được kiểm soát tốt" - ông Hirai Shinji bày tỏ.

Chờ sóng M&A sau đại dịch

Không chỉ đầu tư trực tiếp, ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập (M&A) xuyên quốc gia RECOF Corporation, nhận định khi rào cản về cách ly bởi dịch Covid-19 được dỡ bỏ, sẽ có làn sóng đầu tư gián tiếp từ Nhật vào Việt Nam. Làn sóng này sẽ mạnh mẽ hơn nữa nếu môi trường đầu tư được cải thiện theo hướng thông thoáng hơn.

Dẫn chứng cho điều này, ông Masataka Sam Yoshida cho hay trong các thương vụ M&A giữa nhà đầu tư Nhật Bản và các công ty ở Đông Nam Á, Việt Nam đạt được số lượng giao dịch cao nhất từ trước đến nay, với 33 thương vụ trong năm 2019. Con số này gấp 1,5 lần so với năm trước, là minh chứng cụ thể cho sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật. "10 tháng của năm 2020, M&A giữa Việt Nam và Nhật cũng có 21 giao dịch được công bố, chỉ đứng sau Singapore" - ông Masataka Sam Yoshida nói.

Theo các chuyên gia Nhật Bản, sự quan tâm từ nhà đầu tư nước này đối với Việt Nam vẫn rất lớn ngay cả trong bối cảnh đại dịch và việc chậm lại trong các hoạt động đầu tư chỉ là vấn đề về thời gian. Việt Nam hiện có khoảng 2.000 công ty Nhật Bản đang hoạt động và sẽ tiếp tục thu hút nhà đầu tư từ nước này trong thời gian tới.

Chuyển dây chuyền lắp ráp iPad, MacBook sang Việt Nam

Không chỉ nhà đầu tư Nhật mà làn sóng DN nước ngoài dịch chuyển sang Việt Nam cũng đang diễn ra mạnh mẽ hơn.

Reuters hồi cuối tháng 11 dẫn nguồn tin tiết lộ Công ty Foxconn (Đài Loan) đang chuyển một số dây chuyền lắp ráp máy tính bảng iPad và máy tính xách tay MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam theo yêu cầu của Apple (Mỹ), trong bối cảnh gã khổng lồ công nghệ này đang đa dạng hóa sản xuất để giảm thiểu tác động từ thương chiến Mỹ - Trung.

Nguồn tin trên cho biết Công ty Foxconn đang xây dựng các dây chuyền lắp ráp iPad và MacBook tại nhà máy của họ ở tỉnh Bắc Giang và dự kiến đi vào hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2021. Công ty Foxconn trước đó thông báo gói đầu tư 270 triệu USD để thành lập một công ty con mới, được đặt tên Công ty Công nghệ FuKang. Động thái này, theo nguồn tin trên, được tiến hành nhằm hỗ trợ mở rộng sản xuất sang Việt Nam. Ngoài ra, Công ty Foxconn cũng lên kế hoạch sản xuất TV và các sản phẩm điện tử khác tại nhà máy Bắc Giang theo yêu cầu của nhiều khách hàng, trong đó có Công ty Sony (Nhật Bản), dự kiến bắt đầu trong giai đoạn cuối năm 2020 đầu năm 2021.

Cao Lực

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME

Chia sẻ & Bình luận

ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ
X HOME - THINKDIFFERENTLY * NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT chuyên thiết kế, thi công xây dựng, nội thất, sơn bả thạch cao, mỹ thuật, sân vườn tiểu cảnh, cây cảnh, cây công trình. Hotline: 0965.163.169 - 0975.163.169 - 0949.163.169 - 0902.112.114 - 0915.511.577

CHAT VỚI

Chát 24/24