Ban quản lý dự án Thăng Long vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kết quả rà soát tổng mức đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có điểm đầu trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (Ảnh: TTXVN)
Theo đó, tổng mức đầu tư dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú sau khi cập nhật các yếu tố đầu vào là 7.717 tỷ đồng, tăng hơn 905 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu. Trong đó, phần vốn nhà nước tham gia vào dự án là 1.300 tỷ đồng, tương đương 16,8% tổng mức đầu tư; phần còn lại sẽ do nhà đầu tư huy động bằng vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại.
Theo tính toán trong phần vốn gia tăng, giá cả nguyên vật liệu tăng 698,1 tỷ đồng; chi phí quản lý, tư vấn tăng 83,78 tỷ đồng; chi phí dự phòng tăng 123,4 tỷ đồng; chi phí duy tu, bảo dưỡng vận hành, khai thác (từ 0,55 tỷ đồng/km/năm lên 0,76 tỷ đồng/km/năm).
Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú có chiều dài tuyến khoảng 59,6 km. Dự án có điểm đầu giao với Quốc lộ 1 tại Km1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành – Dầu Giây, thuộc địa phận xã Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai); điểm cuối tại Km59+594, giao cắt với QL20 tại Km69+400, thuộc địa phận xã Phú Trung (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai).
Dự án được đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT với quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100km/h, trong đó phân kỳ giai đoạn 1 xây dựng với quy mô 4 làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 17m), vận tốc khai thác 80km/h.
Dự kiến lựa chọn nhà đầu tư từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, dự án sẽ được khởi công vào cuối năm 2022 và kỳ vọng đưa vào khai thác đầu năm 2025.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: