Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/8, Việt Nam nhập siêu 3,88 tỷ USD.
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 8 (1-15/8) đạt 24,1 tỷ USD, giảm 18,1% (tương ứng giảm 5,31 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 7/2021.
Lũy kế từ đầu năm hết ngày 15/8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 399,27 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 275,82 tỷ USD, tăng 32,3% (tương ứng tăng tới 67,31 tỷ USD); doanh nghiệp trong nước là 123,45 tỷ USD, tăng 21,1% (tương ứng tăng 21,52 tỷ USD).
Kỳ 1 tháng 8, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thâm hụt 1,36 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/8, nước ta nhập siêu 3,88 tỷ USD.
Liên quan đến diễn biến đáng chú ý về xuất khẩu trong 15 ngày đầu tháng, tổng kim ngạch đạt 11,37 tỷ USD, giảm 24,2% (tương ứng giảm 3,63 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 7/2021.
Các mặt hàng chủ lực giảm mạnh như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 782 triệu USD, tương ứng giảm 25,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 524 triệu USD, tương ứng giảm 24,5%; hàng dệt may giảm 321 triệu USD, tương ứng giảm 21,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 266 triệu USD, tương ứng giảm 41,6%...
Tính đến hết 15/8, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 197,7 tỷ USD, tăng 23,3% tương ứng tăng 37,3 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ từ 01/01/2021 đến 15/8/2021 và cùng kỳ năm 2020 (Tổng cục Hải quan)
Về nhập khẩu, kỳ 1 tháng 8 đạt 12,73 tỷ USD, giảm 11,7% (tương ứng giảm 1,68 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 7/2021. Các nhóm hàng giảm mạnh như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 217 triệu USD, tương ứng giảm 10,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 209 triệu USD, tương ứng giảm 6,3%; ngô giảm 161 triệu USD, tương ứng giảm 81%...
Tính đến hết 15/8, nhập khẩu của cả nước đạt 201,58 tỷ USD, tăng 34,3% (tương ứng tăng 51,53 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, đà tăng trưởng đang chậm lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm 2021, tăng trưởng xuất nhập khẩu sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vaccine cho lực lượng lao động trong nước.
Một số mặt thuận lợi trong xuất khẩu hàng hóa có thể kể đến như: Ngày 24/7 vừa qua, Cơ quan đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã chính thức ban hành kết luận của vụ việc điều tra liên quan đến vấn đề định giá thấp tiền tệ, theo đó trên cơ sở những giải pháp thỏa đáng, đáp ứng được mục tiêu của cuộc điều tra như đã nêu tại Thỏa thuận đạt được ngày 19/7/2021 giữa Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, USTR sẽ không ban hành bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
"Đây là tin vui bởi Hoa Kỳ là một trong những thị trường lớn nhất của hàng Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết.
Tuy nhiên, nhận định về những thách thức mà nền kinh tế đã, đang và sẽ phải đối mặt, Bộ Công Thương cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian tới do khu vực Đông Nam Á tiếp tục là tâm điểm của dịch bệnh COVID-19 với số ca nhiễm mới gia tăng nhanh chóng tại các quốc gia như Indonesia hay Thái Lan…
Đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam như điện tử, dệt may và da giày... mặc dù tín hiệu tốt là các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu đều trong đà hồi phục nhu cầu tiêu dùng, cùng với xu thế dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu sau dịch bệnh, các doanh nghiệp có thể có thêm các đơn hàng xuất khẩu mới.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh phức tạp tại Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp đã và đang phải cố gắng duy trì sản xuất cùng với nguy cơ rủi ro rất lớn là khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, đến khi dịch được kiểm soát, việc nối lại các mối quan hệ kinh doanh sẽ rất khó khăn.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu, thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này sẽ triển khai đồng loạt nhiều giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó, có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để bảo đảm cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển...
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: