Tính đến đầu tháng 8-2012, toàn TP vẫn còn 375 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo, tức là sau một năm TP Hà Nội mới xử lý được 19 trường hợp. Trong đó, quận Đống Đa xử lý được 16 trường hợp; quận Thanh Xuân hợp thửa, hợp khối được 2 trường hợp, chỉnh trang công trình được 1 trường hợp.
Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo là một chủ trương lớn nhằm chỉnh trang bộ mặt tuyến phố đô thị, song một bộ phận người dân (đang sống ở các nhà siêu mỏng, siêu méo) không ủng hộ chủ trương này.
Một số chủ sử dụng đất cam kết thỏa thuận hợp thửa, hợp khối, song trên thực tế chậm triển khai thực hiện hoặc gặp khó khăn trong việc thỏa thuận. Việc áp dụng hình thức thu hồi đất để thực hiện theo quy hoạch gặp khó khăn về kinh phí, quỹ nhà, đất tái định cư, tạm cư để GPMB. Ngoài nguyên nhân trên, TP xác định công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chưa tốt; việc áp dụng quy định của pháp luật có liên quan để xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo của một số quận, huyện còn bất cập, chưa thực quyết liệt, hiệu quả; còn có biểu hiện né tránh, ngại va chạm.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa các sở, ngành và UBND các quận, huyện trong việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo chưa đồng bộ, chặt chẽ và thiếu tập trung. Về phương án giải quyết vấn đề này trong thời gian tới, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động để các tổ chức, cá nhân được biết chủ trương của TP trong việc chỉnh trang các tuyến phố; không để phát sinh các vi phạm mới, nhất là phát sinh nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn; hoàn thành dứt điểm các phương án hợp khối, hợp thửa; thực hiện thu hồi đất để xây dựng các công trình công cộng theo phương án được duyệt...
Vẫn khó hợp khối
Ông Lâm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, hiện quận Hai Bà Trưng còn nhiều trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo ở các tuyến đường như Trần Đại Nghĩa, đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy (phường Vĩnh Tuy), đường Lê Thanh Nghị. Để giải quyết dứt điểm loại hình nhà này phải hợp khối, hợp thửa nhưng rất khó thực hiện. Bởi lẽ những chủ thửa đất này thường hét giá quá cao khiến người có nhu cầu hợp thửa khó lòng chấp nhận được.
Ông Trần Đức Học - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội lý giải: Nếu các quận, huyện thấy vướng mắc trong quá trình xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo thì phải làm tờ trình, lên phương án báo cáo Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Sở QH-KT, UBND TP Hà Nội để giải quyết, chứ không để tồn tại loại hình nhà này được. Hơn nữa, theo đề xuất của quận Hai Bà Trưng, quận Thanh Xuân tốt nhất nên thu hồi những thửa đất này, sau đó giải phóng làm hè đường cho nhân dân sử dụng là phương án tối ưu.
Để đẩy nhanh tiến độ xóa nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn TP, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong thời gian tới sẽ yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã… tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động để các tổ chức cá nhân được biết chủ trương của TP trong việc chỉnh trang các tuyến phố; tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện. Tăng cường quản lý trật tự xây dựng không để phát sinh các trường hợp vi phạm mới, nhất là phát sinh nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn. Hoàn thành dứt điểm các phương án hợp khối, hợp thửa, thực hiện thu hồi đất để xây dựng các công trình công cộng theo phương án được duyệt.
Chuẩn bị trước quỹ nhà tạm cư, tái định cư cần thiết để bồi thường, di chuyển, tạo chỗ ở ổn định cho những hộ gia đình thuộc diện GPMB do diện tích đất còn lại sau mở đường không đủ điều kiện cấp phép xây dựng. Hoàn thành việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo trong quý IV-2012.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: