Nhùng nhằng giữa cấp nhà và thuê nhà
Bà Đỗ Thị Ngoan, trú tại phòng C14, khu chung cư tổ 39, hiện là Bí thư chi bộ, trưởng ban mặt trận tổ dân phố cho biết: Cuối năm 2013, tỉnh và thành phố xuống khu dân cư vận động bà con phải di chuyển khẩn cấp vì chung cư quá xuống cấp, khả năng chịu lực kém, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân.
Là người sống trong chung cư từ năm 1978 (thời điểm chung cư được đưa vào sử dụng) nên bà Ngoan hiểu rõ sự lo ngại của chính quyền là có cơ sở. Tuy nhiên, gia đình bà không di dời là bởi tỉnh, thành phố đã có nhầm lẫn giữa việc cấp nhà và thuê nhà, do đó các chính sách đi kèm áp dụng sai quy định hiện hành.
Cụ thể, tháng 10-1978 bà Ngoan khi đó làm tại Xí nghiệp bánh kẹo Thái Bình. Đây là một trong sáu cơ quan được UBND tỉnh Thái Bình xây cấp nhà chung cư (còn gọi là nhà Liên Cơ) cho cán bộ, công nhân viên ở.
Sau đó, cơ quan lại giao cho Công đoàn Xí nghiệp phân phối, bình xét từng lao động để nhận nhà ở. Bà Ngoan là chiến sĩ thi đua nên đã được cấp nhà ở từ đó đến nay.
Gặp bà Lê Thị Nhung (SN 1948), trú tại số nhà B3, chung cư tổ 39, hiện là chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ, bà nói: Tôi làm tại Xí nghiệp may mặc xuất khẩu Thái Bình từ năm 1966 đến 1990 nghỉ chế độ.
Thời điểm tháng 10-1978, tỉnh Thái Bình đã bàn giao khu nhà chung cư cho xí nghiệp để đơn vị bình xét, phân bổ cho người lao động sử dụng. Bà là chiến sĩ thi đua nên đã được tập thể bình bầu nhận nhà ở đến nay.
Bà Ngoan, bà Nhung đã cho phóng viên xem một số chứng từ pháp lý hiện được gia đình lưu giữ thì thấy năm 1998 cơ quan chức năng địa phương chỉ thu lệ phí nhà ở với mức vài chục nghìn đồng một tháng. Đến cuối năm 2013, đơn vị phụ trách nhà chung cư là Công ty môi trường đô thị Thái Bình vẫn thu các hộ dân với giá nêu trên.
Như vậy, theo các hộ dân thì trường hợp của họ và rất nhiều hộ gia đình khác đang sinh sống ở chung cư tổ 39, 40 Quang Trung không phải là nhà đi thuê, mà là nhà được phân phối cho cán bộ, công nhân viên chức để ở.
Vì thế, các hộ gia đình sẽ "bám trụ" tới cùng cho dù chung cư cũ nát này có thể sập đổ bất cứ lúc nào nếu tỉnh, thành phố không có phương án tái định cư, bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân.
Hộ dân phải mua nhà ở xã hội!
Cho dù nguồn gốc nhà ở của nhiều hộ dân ở chung cư tổ 39, 40 đã rõ ràng, nhưng tỉnh và TP Thái Bình hiện nay vẫn bảo lưu quan điểm khi cho rằng đây là nhà thuộc sở hữu nhà nước, cho các hộ gia đình sử dụng để ở. Hiện nay, cơ quan quản lý nhà không thu tiền thuê nhà của các hộ gia đình, cá nhân để thực hiện biện pháp di dời khẩn cấp do chung cư quá xuống cấp, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản người dân.
Chung cư cũ nát thuộc tổ 39, 40 Quang Trung, TP Thái Bình.
Về vấn đề người dân băn khoăn, lo lắng đến tương lai của mình sau thời gian được chính quyền hỗ trợ thuê nhà ở (24 tháng) khi di dời khỏi chung cư, UBND tỉnh Thái Bình đã giao cho UBND thành phố và các đơn vị liên quan giới thiệu, ưu tiên để các hộ dân được mua căn hộ thuộc Dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, trong tòa chung cư 17 tầng do Công ty cổ phần Dệt sợi Dam San đang xây dựng tại đường Trần Hưng Đạo, phường Lê Hồng Phong (TP Thái Bình).
Được biết, hiện nay mới có 3/153 hộ thuộc chung cư tổ 39 và 40 đăng ký mua nhà ở xã hội tại dự án này, còn lại vẫn nhất quyết không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ di dời, thuê nhà ở cũng như đăng ký mua nhà ở xã hội vì các hộ dân khẳng định họ được cấp nhà nên bây giờ nếu di dời thì tỉnh, thành phố phải bố trí khu tái định cư cho dân, chứ người dân không thuộc diện phải tự mua nhà như phương án nêu ra.
Cần có chính sách cụ thể đối với từng hộ dân
Được biết, tại hai chung cư thuộc tổ 39, 40 phường Quang Trung, TP Thái Bình có nhiều hộ gia đình sinh sống với nguồn gốc nhà ở khác nhau. Có hộ liên tục ở từ thời điểm được phân nhà (năm 1978) đến nay, nhưng cũng có những hộ đã chuyển nhượng cho người khác ở.
Do đó, tỉnh và TP Thái Bình cần phải sàng lọc, tách bạch nguồn gốc, xuất xứ của từng hộ dân, từ đó áp cơ chế, chính sách hiện hành đúng người, đúng quy định, tránh gây thiệt thòi cho người dân.
Tuy nhiên, việc người dân không di chuyển chỗ ở ra khỏi các khu nhà chung cư cũ nát sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng bất kỳ lúc nào. Do đó, các hộ dân cần thấy rõ trách nhiệm và tự giác thực hiện phòng tránh nguy hiểm đến tính mạng của mình.
Trong lúc này, tỉnh và TP Thái Bình nên tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, đồng thời có phương án khả thi để cùng có sự đồng thuận, nhất trí cao trong xử lý, giải quyết những vấn đề còn tồn tại hiện nay tại các khu chung cư xuống cấp trên địa bàn.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: