Phát biểu tại một cuộc Hội thảo khoa học tổ chức mới đây ở Hà Nội, ông Lê Hữu Thể - nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao cho biết, nếu như trước đây quan niệm tham nhũng chỉ liên quan đến kinh tế, thì thực tế hiện nay chỉ rõ còn có thêm tham nhũng chính sách, hay còn gọi là tham nhũng chính trị bởi các hình thức này mang lại lợi ích cho người có chức vụ, quyền hạn, họ dùng quyền hạn để vụ lợi vì mục đích cá nhân.
Khó “chỉ mặt, gọi tên” tham nhũng chính sách
Theo ông Lê Hữu Thể, khác với tham nhũng hành chính, tham nhũng chính sách khó “chỉ mặt, gọi tên” hơn. Một chính sách pháp luật mang lại lợi ích cho cá nhân là chính thì nó vẫn có thể được “ngụy trang” bằng những mục đích rất cao đẹp.
Ông Lê Hữu Thể, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. (ảnh: Noichinh.vn)
“Một chính sách “méo mó” được ban hành thì có thể mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho quan chức chính trị hoặc phe nhóm nào đó, nó tạo ra hành lang pháp lý “thênh thang” cho việc trục lợi trong 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn thế. Tham nhũng chính sách là một vấn đề lớn, nó muôn hình vạn trạng, nhưng chỉ có những người có chức quyền mới làm được. Ở nước ngoài, người ta còn gọi nó là vận động hành lang, vận động quan chức này, quan chức khác để đưa ra một chủ trương có lợi cho cá nhân hoặc phe nhóm” – ông Lê Hữu Thể nói và nhấn mạnh tham nhũng chính sách còn nguy hiểm hơn tham nhũng kinh tế.
Bàn luận về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Quyền - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, tham nhũng chính sách là lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm” được cài cắm trong quá trình soạn thảo, trình dự án, thẩm định, thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật.
Theo ông, trong quá trình soạn thảo văn bản pháp luật, về mặt khách quan, cơ quan quản lý Nhà nước nào cũng có tâm lý dành những thuận lợi về mặt quản lý Nhà nước về cho mình, đẩy phần khó khăn cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh là tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Để đảm bảo tính minh bạch, khách quan trong quá trình soạn thảo văn bản pháp luật thì phải thông qua các khâu: thảo luận tập thể, thẩm định, thẩm tra, phản biện chính sách, tuy nhiên, trong các khâu đó, có những hoạt động không được minh bạch, không được công khai.
“Cơ quan soạn thảo cài cắm lợi ích ngành, thậm chí là lợi ích của một nhóm người vào các dự án Luật, mà trong quá trình thẩm định của Chính phủ, quá trình thẩm tra của Quốc hội, những “lợi ích” đó được lọt qua và khi trình ra Quốc hội nó cũng lọt qua bằng những lý lẽ ngụy biện” – ông Nguyễn Đình Quyền lưu ý.
Tham nhũng chính sách chủ yếu nằm ở văn bản dưới Luật
Nhận diện về biểu hiện của tham nhũng chính sách, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, việc để “lọt” một số quy định có tính chất “lợi ích nhóm” trong các dự án Luật là rất ít, mà chủ yếu nằm ở văn bản dưới Luật, như các văn bản hướng dẫn và quy định chi tiết.
Theo quy định của pháp luật, các văn bản này thuộc thẩm quyền giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Tuy nhiên, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân lại không có đủ năng lực để giám sát hàng chục nghìn văn bản hướng dẫn thi hành, nên mới “lọt” các “lợi ích nhóm”, lợi ích cá nhân, nhất là các dự án về vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, dự án BOT...
Ông Nguyễn Đình Quyền – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Để chặn tham nhũng chính sách, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, quy định rất rõ về tính công khai, minh bạch và lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định, đánh giá tác động, thẩm tra còn hình thức, quá trình thảo luận tập thể không đến nơi đến chốn... đã tạo ra kẽ hở cho các lợi ích riêng được “cài cắm” vào.
Đẩy lùi và tiến tới loại bỏ tham nhũng chính sách là một thách thức lớn, đòi hỏi thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó, theo ông Nguyễn Đình Quyền, mấu chốt của vấn đề là phải kiểm soát quyền lực Nhà nước.
“Tất cả các khâu trong hoạch định chính sách rất cần kiểm soát quyền lực Nhà nước. Nếu các công cụ, phương tiện kiểm soát quyền lực Nhà nước không phát huy hết vai trò, các cơ quan thẩm định, thẩm tra, hội đồng xét duyệt, nghiệm thu chính sách không phát huy hết trách nhiệm thì sẽ tạo kẽ hở cho các lợi ích cài cắm vào” – ông Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Lê Hữu Thể - nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao cho rằng, có nhiều phương diện để đẩy lùi tham nhũng chính sách, như tuyển chọn đội ngũ làm công tác thẩm định đủ năng lực, trình độ; rà lại hệ thống chính sách, pháp luật, các văn bản để bịt các kẽ hở, lỗ hổng. Song, quan trọng hơn hết vẫn là có cơ chế để giám sát quá trình soạn thảo chính sách, pháp luật.
“Lâu nay việc giám sát của chúng ta rất kém. Do đó, phải có cơ quan nào đó ở Quốc hội hay một cơ quan độc lập với Chính phủ để giám sát. Có ý kiến nói giao việc giám sát cho Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, làm sao cơ quan quản lý lại giám sát chính cơ quan đó được. Kinh nghiệm là Kiểm toán Nhà nước khi trực thuộc Quốc hội đã hoạt động rất hiệu quả" – ông Lê Hữu Thể nhấn mạnh.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: