Chất vấn hay đối thoại?
Nếu nhìn vào 15 câu hỏi mà CLB BĐS Hà Nội gửi lên TS. Alan Phan thì sẽ rất khó xếp đây thuộc thể loại gì? Có phải là một cuộc tranh luận thật sự để tìm ra chân lý hay chỉ là “chất vấn” cho đỡ tức? Tuy nhiên, câu trả lời trên đã có lời giải khi sự việc tưởng chừng như đơn giản này biến thành một cuộc tranh luận trên báo chí với ngôn từ “nảy lửa” không mang tính chất tranh luận vì học thuật thông thường.
Thật vậy, ngay từ câu 1 trong chuỗi 15 câu hỏi, CLB BĐS Hà Nội đã “gài” ông Alan bằng một câu hỏi chẳng ăn nhập gì tới thị trường bất động sản: “Làm thế nào để người dân không mất tiền?”. Trả lời câu hỏi này chắc chắn không phải bằng một vài câu hỏi đã xong. Hơn nữa không thể đồng nhất câu nói “doanh nghiệp BĐS “chết”, nhà băng “chết”, chứng khoán tụt giảm” là người dân mất tiền.
Vào câu thứ 2, CLB BĐS Hà Nội tiếp tục đưa “người dân” ra làm tấm bình phong khi cho rằng doanh nghiệp BĐS phá sản thì những người đóng 1 phần tiền mua nhà đất sẽ mất tiền. Thực tế, số doanh nghiệp đã nhận tiền thực sự phá sản sẽ không nhiều. Ngay cả trong trường hợp những doanh nghiệp này phá sản thì cũng không ảnh hưởng đến toàn bộ người dân mà chỉ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư (đầu cơ) hoặc người mua bất động sản để ở thuộc tầng lớp giàu có trong xã hội.
Tương tự như vậy, trong 13 câu hỏi còn lại mà CLB BĐS Hà Nội đưa ra đều gắn liền với “chiếc mũ” rất to, kiểu như bất động sản mà sụp đổ thì “trời sụp” tới nơi ! Bên cạnh đó, họ còn yêu cầu ông Alan Phan đưa ra những cơ sở khoa học và giải pháp cho thị trường bất động sản, nền kinh tế hiện nay. Chắc chắn rằng nếu TS. Alan Phan dùng cả đời ông để nghiên cứu thì cũng không thể đưa ra được câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi này. Thực tế, có nhiều câu hỏi không có một câu trả lời duy nhất vì nó liên quan đến quan điểm, hay cách nhìn nhận về một vấn đề.
Như vậy, với những câu hỏi nêu trên thì rõ ràng CLB BĐS Hà Nội không hề muốn tranh luận với ông Alan mà chỉ muốn “chất vấn”.
Tại sao không thể có một cuộc hội thảo?
Để đáp trả những câu hỏi chất vấn của CLB BĐS Hà Nội, TS. Alan Phan đã đề nghị có cuộc hội thảo với đại diện CLB này cùng với những vị khách mời như chuyên gia, giám đốc doanh nghiệp BĐS tầm cỡ. Thiện ý này nhằm ngõ hầu tìm ra được một tiếng nói chung và một giải pháp cho thị trường bất động sản hiện nay. Tuy nhiên, cuối cùng ý tưởng này bất thành khi CLB BĐS Hà Nội từ chối.
Điều này không có gì là khó hiểu khi phía “chất vấn” không thật sự muốn có một cuộc tranh luận thật sự. Nếu họ có một cuộc tranh luận thật sự thì họ đã đưa ra những lập luận của mình để bác bỏ những quan điểm của TS. Alan Phan. Thay vào đó, phần lớn những lời đáp trả đều cho rằng “TS Alan Phan có gì đâu mà ầm ỹ”.
Việc TS. Alan Phan bị cộng đồng hơn 1.000 hội viên giàu có, quyền lực công kích cũng là điều dễ hiểu. Những nỗ lực vận động giải cứu bất động sản hơn nữa năm qua giờ bổng dưng có kẻ “thọc gậy bánh xe”. Ngay cả Chính phủ cũng đã tung ra nhiều biện pháp để giải cứu thị trường bất động sản thì nay lại có kẻ đòi “cho nó chết đi” thì thử hỏi CLB BĐS Hà Nội không “sôi máu” sao được?
Như vậy, một sự đòi hỏi sòng phẳng, khoa học, dân chủ trong tranh luận như “mơ ước” của TS. Alan Phan là quá xa xỉ vào lúc này. Bởi mối quan tâm hàng đầu của “hội viên” không phải là “khoa học” là “logic” hay toàn cục của nền kinh tế mà là việc giải cứu bất động sản – giải cứu chính họ. Điều này cũng dễ hiểu khi các “hội viên” là còn người năng động trên thương trường vốn được ví như chiến trường nên họ cũng không thể khoanh tay chờ chết. Từ đó cho thấy “Hội thảo” không thể diễn ra cũng là điều không có gì khó hiểu.
* Bạn đọc có thể trao đổi bình luận thêm ở trang Bạn đọc viết của NoiThatXhome.vn
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: