Theo Quy hoạch đường bộ, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được đầu tư nâng cấp cao tốc quy mô 6 làn xe trước năm 2030.
Kết nối và đồng bộ
Xác định công tác lập Quy hoạch đường bộ là nhiệm vụ quan trọng đối với sự phát triển của ngành GTVT, Bộ GTVT đã chỉ đạo sát sao việc lập quy hoạch với nỗ lực cao nhất để đảm bảo chất lượng, tiến độ. Bộ đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi thông qua hội thảo 3 miền Bắc, Trung, Nam và lấy ý kiến 63 địa phương, 16 bộ và cơ quan ngang bộ, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, nhà khoa học; ý kiến hội đồng thẩm định, ý kiến thường trực Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Ðình Thọ cho biết: Quy hoạch đường bộ là quy hoạch chuyên ngành đầu tiên được phê duyệt theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, được đánh giá có quy mô, phạm vi và sức ảnh hưởng lớn trong 37 quy hoạch chuyên ngành quốc gia của cả nước. Quan điểm lập Quy hoạch đường bộ lần này chú trọng đến vai trò của phương thức vận tải là phương thức linh hoạt, hiệu quả đối với cự ly ngắn và trung bình (dưới 300km), hỗ trợ gom, giải tỏa hàng hóa, hành khách cho các phương thức vận tải khác làm cơ sở để xây dựng kịch bản phát triển kết cấu hạ tầng và kịch bản dự báo. Bên cạnh đó, xác định kết cấu giao thông đường bộ đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Kết nối hiệu quả giữa các loại hình giao thông và giữa hệ thống đường bộ quốc gia với hệ thống đường địa phương; kết nối vùng, miền, các đầu mối vận tải và quốc tế…
Theo Quy hoạch đường bộ, về kết cấu hạ tầng sẽ hình thành hệ thống đường cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các vùng kinh tế trọng điểm, cảng biển và cảng hàng không cửa ngõ quốc tế. Bên cạnh đó, từng bước nâng cấp các quốc lộ đạt chuẩn. “Quy hoạch đến năm 2030 hoàn thành khoảng 5.000km đường bộ cao tốc và 172 tuyến quốc lộ, tổng chiều dài gần 29.800km. Ðến năm 2050 hình thành 41 tuyến với hơn 9.000km cao tốc. Bên cạnh đó, quy hoạch đường ven biển vào hệ thống quốc lộ. Ðiều chỉnh điểm đầu, cuối cao tốc Bắc - Nam phía Ðông từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Ðiều chỉnh về chiều dài và quy mô đối với cao tốc vành đai đô thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tuỳ theo nhu cầu phát triển đô thị, có thể đi trên cao một số đoạn. Ðối với vận tải, quy hoạch phấn đấu khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 2,76 tỉ tấn, chiếm 62,80% thị phần vận tải toàn ngành. Vận tải hành khách đạt 9,4 tỉ lượt hành khách, chiếm 90,16% thị phần.
Ðảm bảo tính khả thi
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Ðường bộ Việt Nam, kết quả quy hoạch đường bộ đề xuất lựa chọn danh mục các dự án ưu tiên trên nguyên tắc các dự án này đều phải bảo đảm tính lan tỏa; là động lực phát triển vùng hoặc liên vùng, đầu tư phát huy ngay hiệu quả. Quy hoạch đường bộ ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 các tuyến cao tốc có năng lực thông hành lớn để hình thành mạng cao tốc kết nối liên vùng và là xương sống của hệ thống đường bộ quốc gia. Ðể đảm bảo tính linh hoạt, tính mở và sự chủ động trong đầu tư, Quy hoạch đường bộ cho phép có thể điều chỉnh tiến độ đầu tư các tuyến đường nếu các địa phương nhận thấy nhu cầu cần thiết đầu tư sớm hơn và có thể thu xếp nguồn lực để triển khai thực hiện. Hoặc khi địa phương có nhu cầu mở rộng quốc lộ đi qua địa bàn đã được quy hoạch đô thị sẽ phối hợp nguồn vốn theo hướng Trung ương đầu tư phần quy mô theo quy hoạch, địa phương đầu tư phần mở rộng.
Nhu cầu vốn đầu tư mạng lưới đường bộ đến năm 2030 dự kiến khoảng 900.000 tỉ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác. Ðể thực hiện hiệu quả quy hoạch, Thứ trưởng Lê Ðình Thọ cho biết: Trong quá trình lập quy hoạch, Bộ GTVT đặc biệt quan tâm đến tính khả thi thu hút nguồn vốn đầu tư và phân cấp, phân quyền. Theo đó, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát các bất cập, chồng chéo trong các quy định của pháp luật bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ để thu hút nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Quy hoạch xác định huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư đường bộ cao tốc. Các dự án chủ yếu triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư, vốn ngân sách nhà nước sẽ đóng vai trò “vốn mồi”. Ngoài ra, việc huy động ngân sách địa phương tham gia đầu tư các tuyến cao tốc trên địa bàn cũng đa dạng thêm nguồn lực đầu tư thay vì chỉ trông chờ vào ngân sách Trung ương như đã thực hiện trước đây. Thứ trưởng Lê Ðình Thọ cho biết thêm: Sau khi đánh giá thành công của các mô hình địa phương triển khai đầu tư dự án đường bộ cao tốc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tiền Giang… việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đầu tư cho các địa phương, huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương sẽ được Bộ GTVT chú trọng trong thời gian thực hiện quy hoạch tới đây…
Các dự án ưu tiên đầu tư của giai đoạn 2021-2030 gồm có: tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; các tuyến đường cao tốc kết nối liên vùng khu vực phía Bắc, kết nối miền Trung với Tây Nguyên, khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL; các tuyến cao tốc vành đai và các tuyến kết nối với thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; các quốc lộ chính có tính chất kết nối quốc tế, kết nối liên vùng.
Đối với TP Cần Thơ có tuyến nối cao tốc Mỹ Thuận (Tiền Giang) - Cần Thơ có chiều dài dự kiến 23km, quy mô 6 làn xe; tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài dự kiến 124km, quy mô 4 làn xe; tuyến cao tốc Lộ Tẻ (Cần Thơ) - Rạch Sỏi (Kiên Giang) có chiều dài dự kiến 51km, quy mô 6 làn xe; tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài dự kiến 191km, quy mô 6 làn xe…
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: