Đây là ý kiến của Công ty TNHH Hồ Tràm tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về địa điểm triển khai Dự án sân bay chuyên dùng tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ.
Cụ thể, Công ty TNHH Hồ Tràm cho biết đã tiến hành khảo sát một số địa điểm phù hợp và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến tổng thể quy hoạch sân bay.
Qua nghiên cứu, phân tích và so sánh các vị trí dựa trên tiêu chí kỹ thuật, an toàn khai thác hàng không, bảo đảm hoạt động bay và tiêu chí kinh tế - xã hội, Công ty cho rằng địa điểm triển khai xây dựng sân bay chuyên dùng tại xã Lộc An, Láng Dài, huyện Đất Đỏ theo như đề xuất của Công ty là thuận lợi hơn.
Trước ý kiến của Công ty TNHH Hồ Tràm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trình đã đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp với chủ đầu tư chuẩn bị hồ sơ phân tích cụ thể về vị trí xây dựng sân bay chuyên dùng tại xã Lộc An, Láng Dài, huyện Đất Đỏ và gửi văn bản xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về vị trí này.
Trước đó, tại cuộc họp vào ngày 21/5, Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Trình đã thống nhất chấp nhận việc để phía Hồ Tràm xây dựng sân bay chuyên dùng nhưng chỉ với mục đích phục vụ việc đưa đón khách du lịch của Hồ Tràm.
Theo đề xuất của Công ty TNHH Hồ Tràm, tổng diện tích đất sử dụng dự kiến khoảng 224,33ha, trong đó có 47,55ha thuộc địa phận xã Lộc An và 196,78ha thuộc địa phận xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ.
Sân bay có quy mô các công trình đáp ứng tiêu chuẩn Cảng hàng không 4C (theo ICAO), với 01 đường cất cánh có kích thước khoảng 2.400m x 45m.Ước tỉnh kinh phí khoảng 4.250 tỷ đồng do Công ty Hồ Tràm tự trang trải.
Sau đó vào khoảng tháng 7/2018, ông Nguyễn Văn Trình đã đề nghị Công ty TNHH Hồ Tràm chọn địa điểm mới để xây dựng dự án sân bay Lộc An.
Cụ thể, Tỉnh đề xuất vị trí tại xã Lộc An và xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ và một số vị trí khác bởi theo Sở Giao thông Vận tải, khu vực này (xã Lộc An, Láng Dài - theo đề xuất của Công ty Hồ Tràm) hiện đang sản xuất nông nghiệp và trồng cây lâu năm của nhiều hộ dân. Do đó, nếu đầu tư dự án tại khu vực này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân, các dự án lân cận và tình hình chung về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, phức tạp.
Dự án Hồ Tràm Strip Khu du lịch giải trí phức hợp Hồ Tràm tại xã Phước Thuận và xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc) đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 với diện tích 164 ha, được khởi động từ năm 2007 với tên gọi lúc đầu là MGM Hồ Tràm, tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD, do Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm - công ty con tại Việt Nam của Asian Coast Development Limited (ACDL) của Canada làm chủ đầu tư. Sau đó, quỹ đầu cơ Harbinger Capital của Mỹ quyết định rót vốn đầu tư vào ACDL, tính đến hiện tại, quỹ này đã giải ngân vào dự án Hồ Tràm hơn 1 tỷ USD. Dự án MGM Hồ Tràm cũng được đổi tên thành The Grand Hồ Tràm Strip. Hiện dự án đã đi vào hoạt động vào kinh doanh khu A1 (gồm khối khách sạn cao cấp 5 sao 541 phòng, khu vui chơi giải trí cho người nước ngoài và các hạng mục kèm theo) và sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn quốc tế. Mới đây, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm được tiến hành điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của khu du lịch này theo đề nghị của chủ đầu tư. Các hạng mục đề nghị điều chỉnh bao gồm: Điều chỉnh công suất phục vụ giảm từ 61.000 người xuống 53.580 người (nhân viên và khách); bổ sung khu biệt thự nghỉ dưỡng 7,2ha; điều chỉnh khu sân golf thành khu công viên nước; điều chỉnh khu xử lý kỹ thuật thành sân golf, điều chỉnh hướng tuyến đường ven biển qua dự án… Xét thấy nhu cầu cần thiết phục vụ cho việc phát triển du lịch và đầu tư, công ty đã xin chủ trương xây dựng sân bay chuyên dùng như thông tin đã nêu. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: