Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UB TVQH) đã bày tỏ như vậy tại dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
Tại phiên họp sáng nay 10.1 của UB TVQH, cho ý kiến về án luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo dự luật này, cơ quan nhà nước được sử dụng hội trường, phương tiện vận tải chưa sử dụng hết công suất có thể cho các cơ quan, tổ chức khác thuê lại và được thu một khoản kinh phí để bù đắp chi phí.
Theo ông Phúc, quy định trên cần được thể hiện lại hợp lý hơn. “Ví dụ Nhà Quốc hội đây có Hội trường Diên Hồng, nếu theo quy định này mà cho thuê thì không hiểu ra sao? Người ta có thể nói Quốc hội một năm họp có 2 kỳ, như thế là chưa hết công suất. Giữa hai kỳ có thể cho thuê. Viết thế không ổn lắm, cần thể hiện lại cho chặt chẽ hơn”, ông Phúc nêu ý kiến.
Cũng theo ông Phúc, quy định về việc các trường hợp tài sản công tại cơ quan nhà nước được khai thác cũng cần rõ ràng hơn. Theo quy định tại điểm 4, điều 34 dự Luật, các tài sản công tại cơ quan nhà nước được khai thác gồm có nhà ở công vụ; quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu và các tài sản được khai thác theo quy định của pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công chuyên ngành.
Ông Phúc nêu ví dụ trường hợp nhà 37 Hùng Vương (Hà Nội), sau khi bàn giao cho Văn phòng Chính phủ (trước đây do Văn phòng Quốc hội quản lý - PV) nhưng lại được cho thuê lại. “Trường hợp này có được vào quy định không? Phải quy định rõ, không cơ quan này được khai thác, cơ quan kia lại không”, ông Phúc nói.
Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị nên đổi tên dự luật thành luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Lý do, theo ông Lưu, dự Luật đã được mở rộng phạm vi điều chỉnh, bao gồm cả tài sản do các cơ quan Đảng và các tổ chức chính trị khác quản lý, sử dụng. Khái niệm tài sản công cũng đã được quy định trong Hiến pháp, do vậy nếu để tên luật như cũ là không hợp lý.
Về vấn đề trên, tại dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án luật này sẽ gửi Đại biểu Quốc hội, UB TVQH cho biết, có ý kiến đề nghị không quy định việc cho thuê, liên doanh, liên kết đối với tài sản công ở đơn vị sự nghiệp công lập, để tránh thất thoát tài sản nhà nước.
Theo UB TVQH, tài sản công tại cơ quan nhà nước chủ yếu là các tài sản phục vụ công tác quản lý của Nhà nước, do vậy phải đảm bảo việc quản lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức. Tuyệt đối không cho thuê, kinh doanh dịch vụ, liên doanh liên kết, nhất là trụ sở làm việc, phương tiện đi lại, trang thiết bị.
Cũng theo UB TVQH, chỉ một số loại tài sản công mà việc khai thác không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý của Nhà nước, cũng như không làm thất thoát tài sản và được pháp luật chuyên ngành cho phép, thì mới được khai thác, như: quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu, nhà công vụ...
Cũng tại văn bản trên, UB TVQH cho hay để giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước trong hoạt động bảo trì, bảo dưỡng, tránh tài sản xuống cấp,... dự Luật quy định theo hướng cho phép cơ quan nhà nước được sử dụng hội trường, phương tiện vận tải chưa sử dụng hết công suất cho cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng chung theo đúng mục đích và được thu một khoản kinh phí để bù đắp chi phí.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, UB TVQH cho rằng việc cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản Nhà nước chưa sử dụng hết công năng vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập vươn lên tự chủ ngày càng cao hơn, hoặc chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và các đơn vị sự nghiệp, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UB TVQH cho biết đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo bổ sung các quy định về bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao, các quy định về thuế, phí, lệ phí trong việc cho thuê, liên doanh, liên kết.