Tăng trưởng cho vay mới của Trung Quốc đạt 16% trong hai tháng đầu năm. Trước tình hình này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã chỉ thị cho các tổ chức cho vay trong và ngoài nước hoạt động tại đây giữ các khoản cho vay mới trong quý đầu tiên của năm 2021 ở mức gần bằng với năm ngoái, nếu không muốn nói là thấp hơn.
Chỉ thị này có thể dẫn đến sự sụt giảm đáng kể của hoạt động cho vay ngân hàng, nguồn tài chính lớn nhất giúp thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Động thái này cho thấy sự thay đổi trong trọng tâm chính sách của Bắc Kinh, chuyển hướng sang giám sát quy định để kiểm soát rủi ro tín dụng thay vì thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - vốn đã trở lại mức trước đại dịch.
Các biện pháp thắt chặt trước đây, dẫn đầu là hạn ngạch cho vay bất động sản chặt chẽ hơn, cho đến nay đã không thể làm giảm mức tăng trưởng tín dụng. Các khoản cho vay tiêu dùng trung và dài hạn của Trung Quốc, chủ yếu là cho vay thế chấp, đã tăng 72% lên mức kỷ lục 1,4 nghìn tỷ Nhân dân tệ (279,5 tỷ USD) trong hai tháng đầu năm nay.
Sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc đã mang lại động lực quan trọng cho nền kinh tế toàn cầu và các công ty đa quốc gia trong đại dịch, bên cạnh nguồn nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng tiêu dùng và nguyên liệu thô.
Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đã tăng 6,5% trong quý cuối cùng của năm ngoái, khiến nước này trở thành một trong số ít quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế tích cực cả năm 2020. Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 6% cho năm 2021.
Với nền kinh tế đang biến động, các nhà hoạch định chính sách đã rời sự chú ý của họ sang nguy cơ tăng trưởng quá nóng, và đẩy mạnh kiểm soát việc cho vay quá mức và rủi ro tài chính.
Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc tại Macquarie Group ở Hồng Kông, cho biết: “Lo lắng của Trung Quốc về một cuộc suy thoái do đại dịch gây ra đã không còn nữa. Ưu tiên hàng đầu là giảm gánh nặng nợ của nền kinh tế”.
Phục hồi mạnh mẽ
Sự bùng nổ cho vay vào đầu năm 2021 theo sau sự phục hồi mạnh mẽ trong các giao dịch bất động sản và đầu tư của Trung Quốc đã nâng tầm thị trường nhà ở trong nước. Doanh số bán nhà mới của Trung Quốc tăng 133% trong tháng Giêng và tháng Hai năm nay, trong khi đầu tư bất động sản tăng 38%. Nhu cầu đó đã giúp thúc đẩy tăng trưởng cho vay bất động sản lên 14%, cao nhất trong 7 năm qua.
“Bất động sản là ngành an toàn nhất để đầu tư”, một nhân viên ngân hàng có trụ sở tại Thượng Hải cho biết.
Nhưng khi giá nhà tăng cao trên khắp các trung tâm ven biển của Trung Quốc, Bắc Kinh đã ban hành một loạt các biện pháp để kiểm soát sự bùng nổ của thị trường nhà ở, dẫn đầu là trấn áp việc lạm dụng các khoản vay kinh doanh để mua bất động sản. Điều đó khiến nguồn tài chính bất động sản chịu nhiều áp lực và khiến những người cho vay tham gia nhiều vào lĩnh vực này trở thành mục tiêu của các biện pháp hạn chế mới nhất.
Vào tháng 12, PBoC cũng thắt chặt giới hạn cho vay xuyên biên giới, điều này đã hạn chế đáng kể khả năng mở rộng của các ngân hàng nước ngoài tại Trung Quốc, ngay cả khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ tiếp tục tự do hóa kiểm soát vốn và cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường tài chính của mình. Các hạn chế này nhằm mục đích làm chậm đà tăng của đồng Nhân dân tệ, vốn đã tăng gần 7% so với đô la Mỹ vào năm 2020.
Nhưng sự gia tăng của tiền tệ đe dọa sẽ làm suy yếu hoạt động xuất khẩu đang tăng vọt của Trung Quốc, vốn đã đạt mức hơn 18% trong tháng 12. Từ đó, đẩy thặng dư thương mại của nước này lên mức kỷ lục hàng tháng nhờ nhu cầu trong đại dịch.
Một chủ ngân hàng có trụ sở tại Thượng Hải cho biết các biện pháp hạn chế cho vay mới nhất đã khiến nhiều ngân hàng nhỏ hơn, bao gồm cả các tổ chức cho vay nước ngoài, chịu áp lực giảm “triệt để” các khoản vay mới vốn đã vượt quá ngưỡng quy định.
“Rất khó để giữ cho vay bất động sản ở một tỷ trọng nhỏ khi các ngành khác đang chịu nhiều rủi ro hơn”, chủ ngân hàng này cho biết.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: