Bà ngoại em năm nay 78 tuổi. Năm 1976 gia đình ngoại đi kinh tế mới từ Quảng Nam vào Đăk Lăk. Lúc đó gia đình gồm bà ngoại, 2 cậu, 1 dì và mẹ em, cùng ở một mảnh vườn, nương tựa nhau sống.
Sau đó các cậu, dì và mẹ em đều lập gia đình và đi nơi khác dựng nhà cửa làm ăn (nhưng trong cùng một xã), còn bà ngoại ở một mình trên mảnh đất này.
Năm 1996, cậu thứ 2 đã bán nhà đang ở và về xin ngoại làm nhà trên mảnh đất nói trên và sống cho đến nay. Tuy sống trong cùng 1 mảnh đất nhưng ngoại em vẫn ở nhà riêng một mình, và có hộ khẩu riêng.
Năm 1997, xã mở đợt đăng ký kê khai đất làm sổ đỏ- vì đất này là kinh tế mới nên chưa được cấp GCN QSDĐ lần nào, cậu thứ 2 đã đứng tên đăng ký quyền sử dụng đất mảnh đất này.
Trong khoảng thời gian sinh sống, tình cảm giữa bà ngoại và vợ của cậu không hòa thuận và gia đình cậu cũng không chu cấp một khoảng tiền nào để phụng dưỡng ngoại, hiện bà ngoại không còn khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình.
Nay bà ngoại em muốn chia tài sản của mình là mảnh đất nói trên cho các con và bán một phần để đi tìm mộ ông ngoại em và trang trải tuổi già nhưng bị vướng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và cậu này cũng không đồng ý, cho rằng đất đứng tên mình nên là của mình. Hiện tại cậu thứ 2 đang giữ sổ đỏ đứng tên mình.
Vậy có cách nào bảo vệ lợi ích của bà ngoại em? Hiện tại bà ngoại vẫn còn rất minh mẩn, nhưng lo sợ vụ việc kéo dài nhiều năm, ngoại tuổi cao, sức khỏe yếu, nếu bà ngoại em qua đời thì có cách nào để mảnh đất trở thành di sản của ngoại để lại, như ý chí của ngoại lúc còn sống.
Việc cậu em đăng ký quyền sử dụng đất trên không có cuộc họp gia đình nào hết, tự cậu đăng ký, bà ngoại em cũng chưa từng thể hiện ý chí là sẽ cho cậu thứ 2 tài sản đó...vì ngoại còn nhiều con và có cháu đức tôn là con của cậu thứ 1. Ngoại muốn cháu đức tôn về đó ở. Không có thỏa thuận tặng cho nào giữa cậu và bà ngoại.
Việc cậu đăng ký mọi người trong gia đình đều biết nhưng không phản đối vì nghĩ chỉ là thủ tục quản lí đất đai. Không ngờ hôm nay cậu đỏi mặt.
Vì viêc này mà gia đình mất đoàn kết, con mất mẹ, anh em mất nhau…Mong các luật sư tư vấn cho. Xin chân thành cảm tạ.
nguyenvandat.blue.sky@...
Công ty Luật ANT Lawyers trả lời:
Về nguyên tắc thì cậu của bạn đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên mảnh đất đó là tài sản của cậu bạn. Tuy nhiên, do nguồn gốc đất đó là của bà bạn, đã sinh sống từ năm 1976. Nên bà bạn cần kiểm tra xem còn giữ giấy tờ gì có thể chứng minh quyền sở hữu của bà hay không. Bởi theo quy định tại Điều khoản 2 Điều 49 Luật đất đai, Nhà nước sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho: “ Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.”
Đồng thời, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho cậu bạn có thể bị thu hồi nếu thuộc một trong những trường hợp pháp luật đất đai quy định. Cụ thể như sau:
Theo khoản 2 Điều 25 Nghị định 88/2009/NĐ-CP về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác găn liền với đất, các trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật gồm có:
- Trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp mà có văn bản của cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra kết luận là Giấy chứng nhận đã cấp trái với quy định của pháp luật;
- Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận tự kiểm tra và phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp là trái pháp luật thì có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới cơ quan thanh tra cùng cấp để thẩm tra;
- Trường hợp tổ chức, công dân phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật thì gửi kiến nghị, phát hiện đến cơ quan nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận. Cơ quan nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định tại điểm b khoản này.
Gia đình bạn có thể gửi đơn yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết. Nếu không được, có thể làm đơn gửi Tòa án.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: