Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên thảo luận tổ chiều 24/7. Ảnh Như Ý
Chưa tổng hợp được các dự án “treo”
Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai, thực hiện nghiêm túc chương trình, kế hoạch công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. Qua đó đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm, thu hồi số lượng lớn tiền, tài sản cho Nhà nước.
Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong công tác sắp xếp, xử lý đất công. Trong đó, còn một số đơn vị sự nghiệp công lập đang sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, việc trả lại nhà công vụ của một số trường hợp còn chậm so với thời hạn được thuê.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, tình trạng vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ vẫn còn diễn ra. Một số bộ, cơ quan trung ương được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên, thực trạng này chưa được Chính phủ thống kê trong báo cáo, cũng như nêu rõ nguyên nhân và giải pháp xử lý.
Cũng theo cơ quan thẩm tra, việc trả lại nhà công vụ của một số trường hợp còn chậm so với thời hạn được thuê nhưng chưa nêu cụ thể các trường hợp này và giải pháp khắc phục.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chưa tổng hợp được các dự án “treo”, diện tích đất nông nghiệp để hoang hóa trên toàn quốc, chưa thống kê các dự án BT, BOT đang vướng mắc, nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư chưa phù hợp, gây lãng phí để có giải pháp xử lý.
Trăn trở nhất là lãng phí tài sản công
Vấn đề trụ sở bộ, ngành, nhà công vụ cũng là mối quan tâm của không ít đại biểu tại phiên thảo luận tổ về nội dung này. “Trụ sở cơ quan Trung ương đã xây mới rồi, nhưng không trả lại trụ sở cũ mà cho cơ quan trực thuộc sử dụng, thậm chí cho thuê. Vấn đề này đã tồn tại nhiều năm, chúng ta đã nói nhiều rồi, phải xử lý cho được vấn đề này. Hay với nhà công vụ, cần rà soát, xem cái nào hoá giá được thì hoá giá, không thì kiên quyết thu hồi. Không thể để tình trạng nhà công vụ dư, mà cán bộ nơi khác về công tác lại không có chỗ ở, phải đi thuê”, đại biểu Phạm Văn Hoà, (đoàn Đồng Tháp) đề nghị.
Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho rằng, thực hành tiết kiệm chưa đáp ứng yêu cầu. “Điều trăn trở nhất là tình trạng lãng phí lớn trong quản lý, sử dụng nguồn lực quốc gia, đặc biệt là tài sản công”, ông Lượng nói và cho rằng hạn chế xuất phát từ việc chậm tổ chức thực hiện, như chậm đầu tư, xây dựng, quy hoạch và sử dụng đất đai được xem là khâu yếu nhất, gây lãng phí lớn.
Cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm. Theo Thủ tướng, dù chính sách thể chế đã được hoàn thiện nhiều nhưng chưa có kỷ luật về tiết kiệm và vẫn còn lãng phí. Do đó, cần vừa phải giáo dục nâng cao nhận thức, xây dựng thể chế, vừa phải có kỷ luật, kỷ cương để tiết kiệm thực sự hiệu quả hơn.
Thủ tướng cũng cho biết, qua rà soát dự án đầu tư công, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, đang có sự mất cân đối, tạo nên sự lãng phí. “Mất cân đối một phần, nhưng quan trọng là lãng phí”, Thủ tướng nhấn mạnh, nếu manh mún, chia cắt dự án sẽ không tránh được tình trạng lãng phí, không tạo ra động lực cho phát triển.
Theo Thủ tướng, phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Đồng thời, kiểm soát tiến độ công trình, rà soát dự án đầu tư, đổi mới lãnh đạo, chỉ đạo...
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: