Lấp kênh rạch, sụt lún gây ngập lụt
Nhiều năm qua, do sự phát triển đô thị quá nhanh, không kiểm soát được, đã khiến nhiều sông, rạch ở TPHCM bị lấn chiếm, thu hẹp và biến mất, nhiều diện tích ao hồ, đầm lầy, vùng trũng ngập nước cũng bị san lấp. Đặc biệt, khu vực quận 7 là nơi trũng thấp, mật độ sông rạch cao, đóng vai trò rất quan trọng đối với khả năng tiêu thoát nước cho toàn TP, nhưng phần lớn diện tích đã bị san lấp để phát triển đô thị.
Theo đó, khoảng 30% diện tích (4.000ha) với hơn 100 kênh, rạch tại quận 7 đã bị lấn chiếm. Ở phạm vi rộng hơn, trên toàn TP đang tồn tại 59 trường hợp xây dựng lấn chiếm cửa xả (thuộc 23 tuyến đường), 105 hầm ga (thuộc 41 tuyến đường), 13,9km cống và 394 hầm ga (thuộc 92 tuyến đường), 61 vị trí lấn chiếm kênh, rạch phục vụ thoát nước.
Kết quả đo kiểm mốc độ cao trong 2 năm 2014-2015 của Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam (Bộ Tài nguyên - Môi trường), cho thấy khu vực TPHCM đang diễn ra tình trạng lún sụt khá lớn. Có tình trạng này do hoạt động khai thác nước ngầm quá mức, quá trình đô thị hóa tăng tải trọng trên nền đất yếu, rung động do các hoạt động giao thông...
Dựa trên sơ đồ phân vùng lún, TPHCM đang diễn ra sụt lún với tốc độ hơn 1cm/năm trên khu vực rộng lớn khoảng 240km2, bao gồm phía Bắc huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, các quận 7, 8, phía Nam quận Bình Tân, phía Đông quận 12, phía Tây quận Thủ Đức. Cá biệt, vài nơi ở huyện Bình Chánh, trong khoảng thời gian từ năm 2005-2015, tốc độ lún trung bình lên đến 5-7cm/năm.
Cơn bảo số 9 vừa qua với lượng mưa kéo dài gần 20 giờ, rất nhiều con đường ngập trong biển nước.
Sụt lún đã gây nên ngập lụt đô thị. Tại TPHCM, tình trạng này bắt đầu xuất hiện từ cuối những năm 1990 và ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt ở các khu vực đang đô thị hóa mạnh như huyện Bình Chánh, các quận 7, 12, Thủ Đức.
Do việc đô thị hóa đã không được phát triển đồng bộ với hệ thống thoát nước đô thị, trong khi vũ lượng mưa ngày càng có xu thế gia tăng.
Thí dụ rõ nét nhất là ngày 25-11 vừa qua, do mưa to kéo dài, kết hợp triều cường cao, lượng mưa lớn nhất đo được 401mm tại trạm Tân Sơn Hòa, đỉnh triều đo tại trạm Phú An +1,29m, đã gây nên trận ngập lịch sử tại TPHCM.
Hệ quả của việc bức tử các dòng sông, kênh, rạch, mương để làm nhà, làm dự án, xây khu đô thị, là hệ thống thoát nước tự nhiên này bị chặn lại, nước chỉ còn cách tràn vào nhà, lên phố và đường sẽ biến thành sông như chúng ta đang chứng kiến. Đó là chưa kể tình trạng lấn chiếm miệng cống, hầm ga, cửa xả... cũng gây ảnh hưởng nặng nề tới việc thoát nước.
Sự gia tăng dân số dẫn đến việc đô thị hóa tại vùng ven đô vốn trước kia sử dụng cho mục đích nông nghiệp, còn khiến khả năng chứa nước tại chỗ của khu vực này giảm xuống. Ngoài ra, diện tích đất bị bê tông hóa tăng khiến lượng nước chảy bề mặt gia tăng vì không thấm được vào lòng đất.
Loay hoay dự án chống ngập
Thực trạng cứ mưa là ngập, hoặc không mưa nhưng triều lên cũng gây ngập tại TPHCM, được các chuyên gia đô thị học thẳng thắn chỉ ra, đó là công tác quy hoạch và công nghệ chống ngập đã lỗi thời. Nhiều công trình chống ngập được đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng nhưng không phát huy được hiệu quả, trong khi công tác dự phòng về diễn biến của BĐKH chưa thực sự coi trọng.
Trong khi đó, TP đang triển khai đồng loạt 7 chương trình đột phá, nguồn vốn phải phân bổ trên nhiều “mặt trận”, nên ngân sách dành cho chương trình chống ngập gặp nhiều khó khăn. Giai đoạn 2005-2010, mỗi năm TP dành 5.000 tỉ đồng cho công tác chống ngập, nhưng nay chỉ còn hơn 1.000 tỉ đồng/năm.
Trong bối cảnh trên, Chính phủ đã ưu tiên bố trí ngân sách để TP triển khai dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố BĐKH giai đoạn 1”, giải quyết tình trạng ngập nước do triều cường cho gần 7 triệu dân trên lưu vực 570km2, khu vực trung tâm và bờ hữu sông Sài Gòn. Dự án có số vốn lên đến 10.000 tỷ đồng, nếu đúng tiến độ thi công sẽ hoàn thành vào cuối tháng 4-2018. Thế nhưng đến đầu tháng 5 năm nay, bỗng nhiên dự án dừng thi công, trong lúc khối lượng công việc trên công trường đạt 72%.
Trong báo cáo gửi UBND TP, Sở NN-PTNT TP kiến nghị sớm khởi động lại dự án trên, bởi công trình bị ngừng thi công hơn nửa năm qua đã ảnh hưởng đến các hạng mục dưới nước, tăng nguy cơ gây xói lở bờ sông, đáy sông, ảnh hưởng đến an toàn giao thông thủy và chất lượng công trình.
Ông Phạm Văn Long, Trưởng tư vấn thiết kế của dự án cũng cảnh báo, đây là công trình chống ngập lớn nhất nước về thủy lợi, lại được xây dựng trên nền đất yếu, bị tác động bởi triều cường, thi công phức tạp, nếu không tuân thủ điểm dừng theo thiết kế tiềm ẩn nguy cơ sụp móng. Công trình bị gián đoạn càng lâu, sức kháng cát của đất sẽ giảm, hệ số an toàn giảm và có khả năng bị sập, khi sửa lại sẽ rất tốn thời gian, tiền của.
Trước tình hình này, ngày 5-12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo TPHCM nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc để triển khai thực hiện dự án theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả dự án. Thủ tướng giao các Bộ NN-PTNT, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công an và Ngân hàng Nhà nước phối hợp với UBND TPHCM kiểm tra, xử lý các vấn đề tồn tại, kịp thời tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc thực hiện dự án.
Cần sự phối hợp đồng bộ
TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, do vậy những vấn đề như kẹt xe, ô nhiễm môi trường, ngập nước... gây cản trở cho phát triển KT-XH của TP đều có những tác động nhất định, ít nhất là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thực ra không phải đến bây giờ chuyện chống ngập mới được nhắc tới. Năm 2008, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM, trong đó chủ yếu kiểm soát triều và lũ.
Trước đó, năm 2000 TP cũng đã có quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2020 có phạm vi 581,51km2 (thuộc 6 vùng thoát nước), cần phải có 6.000km cống các loại. Song hệ thống cống hiện có chỉ 4.176km, đạt khoảng 70% quy hoạch. Ngoài các quy hoạch này, mỗi năm TP đều có những dự án lớn, nhỏ để chống ngập lụt.
Chuyên gia cao cấp thủy lợi Nguyễn Ngọc Anh đánh giá, nguyên nhân gây ngập TPHCM thì nhiều, ý tưởng chống ngập cũng lắm. Các dự án chống ngập cơ bản đã hoàn thành, một số công trình chống ngập cũng đã, đang và sẽ tiếp tục được xây dựng ở cả 3 quy mô lớn, vừa và nhỏ, hình thức công trình cũng đa dạng, từ hệ thống cống lớn, trạm bơm tiêu, cống/van/phay ngăn triều, đê/bờ bao ven sông, rạch, đến nạo vét các trục tiêu chính, xây hồ điều tiết, xác định cốt nền xây dựng...
Bên cạnh đó, các giải pháp phi công trình cũng được triển khai, như xây dựng mạng giám sát, dự báo ngập, cơ chế chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, quy trình vận hành...
Do vậy trong lúc này, cơ quan hữu quan cần sớm xây dựng chiến lược/quy hoạch tổng thể kiểm soát ngập lụt vùng hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai, trong chiến lược quản lý tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai. Từ đó rà soát lại quy hoạch giảm ngập cho khu vực TPHCM và quy hoạch giảm ngập chi tiết cho các vùng/lưu vực tiêu.
Trong tất cả công trình, TPHCM cần xác định đâu là công trình chiến lược cần ưu tiên, có tính chất quyết định đến giảm ngập, đâu là công trình bổ trợ có tác dụng tăng khả năng giảm ngập; đâu là công trình phát huy hiệu quả trước mắt, đâu là công trình cần đầu tư sau, để từ đó có chiến lược và kế hoạch đầu tư hợp lý trên cơ sở nguồn vốn dự kiến.
Đã đến lúc TP cần rà soát lại việc quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch và phát triển đô thị. Những gì còn thiếu sót, chưa hợp lý, cần được khắc phục, điều chỉnh đúng quy hoạch. Thậm trí đúng quy hoạch nhưng bất hợp lý và không khả thi tại các vùng trũng, nền đất yếu, ngập lụt thường xuyên, cũng cần mạnh dạn điều chỉnh cho phù hợp. GS.TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM Cần xem lại sự phối hợp giữa các ngành chức năng để công tác chống ngập hiệu quả hơn. Trong khi Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP lo chống ngập, ngành giao thông vận tải cứ nâng đường, ngành quy hoạch kiến trúc cho phát triển những vùng nguy hiểm, ngành xây dựng cứ cấp phép… công tác chống ngập sẽ không có lối ra. TS. Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và BĐKH |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: