UBND quận 12, TPHCM vừa ra mắt và áp dụng phần mềm đánh số nhà dựa trên nền tảng công nghệ GPS.
Theo đó, UBND quận 12 có diện tích 52,78 km2, là quận có diện tích lớn thứ 7 so với các quận huyện trên địa bàn thành phố.
Từ năm 1998 đến cuối năm 2005, việc cập nhật số nhà thực hiện trên bản đồ giấy, phần lớn chưa đảm bảo theo nguyên tắc đánh số nhà. Hiện nay, quận 12 có 44 tuyến đường đã được đặt tên đường. Trong đó, có 23 tuyến mới được đặt tên vào cuối năm 2014. Nhiều tuyến đường ở quận 12 hiện vẫn chưa có tên đường mà phải đánh số hoặc ký hiệu tên phường viết tắt.
Từ đó, việc đánh số nhà, thu nhập dữ liệu chưa đầy đủ, thông tin quản lý cập nhật không được kịp thời khiến nhiều nhà vẫn chưa được cấp số nhà mới. Một số trường hợp phải dùng số nhà cũ và dẫn đến tình trạng 1 tuyến đường có 2 số nhà.
Đồng thời, nhiều trường hợp được cấp số nhà mới nhưng nằm trong hẻm phải dùng đến 3 - 4 "xẹc"… dẫn đến việc tìm kiếm địa chỉ của người dân gặp khó và không logic.
Ứng dụng công nghệ vào đánh số nhà sẽ giúp việc định vị, xác định tốt hơn
Trước thực trạng này, UBND quận 12 đã giao cho Phòng Quản lý đô thị rà soát và triển khai thực hiện thí điểm dự án điều chỉnh số nhà. Phường Tân Thới Hiệp được chọn là nơi thực hiện thí điểm về cấp số nhà mới.
Cụ thể, với phần đánh số nhà mới, đối với đất quy hoạch dân cư, dự kiến 4m (chiều ngang 1 lô đất đủ điều kiện tách thửa) đánh một số nhà; đối với đất quy hoạch khác (công trình công cộng, công trình giáo dục, công viên cây xanh…) có hiện trạng là đất trống thì đánh một số nhà cho cả ô phố quy hoạch.
Quận 12 ưu tiên việc giữ lại các số nhà đã được cấp mới, số đầu hẻm đảm bảo nguyên tắc và phù hợp, tránh sự xáo trộn nhiều trong việc điều chỉnh số nhà trong hẻm.
Đối với những tuyến đường đã được đầu tư thực hiện làm đường, đủ điều kiện được đặt tên đường nhưng chưa được Hội đồng đặt tên đường thành phố đặt tên đường theo quy định thì đánh số nhà lấy tên đường theo quy hoạch.
Đồng thời hạn chế sử dụng tới 3 "xẹc" trong đánh số nhà. Đối với hẻm cụt có chiều dài ngắn, đánh số nhà theo chiều vòng vào trong hẻm nhằm hạn chế số nhà nhiều "xẹc".
Theo ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, phần mềm đã mang lại lợi ích rất nhiều cho người dân vì khi được cấp quyền sử dụng đất là đã biết số nhà của mình. Bên cạnh đó, khi giảm "xẹc" thì giá trị nhà của người dân cũng tăng lên.
Người đứng đầu quận 12 còn cho rằng, việc sử dụng phần mềm này sẽ giảm tải cho cơ quan chức năng trong việc quản lí dân cư, nâng cao quản lí về thủ tục hành chính.
Không những thế, phần mềm giúp điều chỉnh số nhà đảm bảo quy định, khoa học, khắc phục tình trạng bất cập trong việc đánh số nhà không theo trật tự trong quá trình đô thị hóa, giúp người dân, tổ chức dễ tra cứu, tìm kiếm địa chỉ nhà đất.
“Việc điều chỉnh số nhà sẽ được mã hóa và tích hợp ứng dụng số nhà thông minh tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự đô thị, đảm bảo quyền lợi, không gây xáo trộn đời sống người dân, góp phần triển khai thực hiện đề án đô thị thông minh của UBND thành phố”, ông Hải Hiếu, Chủ tịch quận 12 cho biết.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: