Vẫn đau đầu với bài toán ùn tắc
TPHCM hiện có khoảng hơn 5,5 triệu phương tiện giao thông cá nhân, gồm khoảng 500 ngàn xe ôtô và năm triệu chiếc xe máy (chiếm đến 25% số xe máy cả nước). Con số này vẫn đang tăng ở mức mỗi ngày có khoảng 1.000 xe máy và 100 xe ôtô đăng ký mới. Hiện nay, mỗi ngày có hơn một triệu xe gắn máy và 60 ngàn xe ôtô các tỉnh cùng lưu thông, đổ về thành phố. Mật độ xe lưu thông dày đặc như thế nhưng diện tích giao thông đô thị của TPHCM chỉ chiếm vào khoảng hơn 6% so với diện tích xây dựng đô thị. Con số này ở các nước phát triển là hơn 22%.
Tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra, không chỉ giờ cao điểm mà bất cứ lúc nào, chỉ cần có sự cố nhỏ trên đường là xảy ra kẹt xe. Có nhiều lý do khác như trời mưa, ngập đường, ùn tắc tại khu vực đang thi công các công trình, đào đường…Các chuyên gia ngành giao thông đã nhìn nhận kẹt xe không những gây nên sự lãng phí lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng môi trường sống, sức khỏe của người dân vì khói bụi, tiếng ồn.
Kẹt xe đã trở thành vấn đề nóng, nhiều lần được đề cập đến trong các kỳ họp của HĐND TP và các ban ngành liên quan. Đã có nhiều ý kiến, đề xuất giải pháp giải quyết nạn kẹt xe nhưng chưa được thông qua vì mang tính đối phó tạm thời, thiếu tầm nhìn chiến lược, không giải quyết được triệt để. Chính vì vậy người dân càng bức xúc, vì sao kẹt xe xảy ra triền miên, càng chống càng kẹt. Xem ra lời giải bài toán kẹt xe vẫn còn là thách thức cho TPHCM trong thời gian tới.
Không phát triển được bãi đỗ xe nhiều mặt đường được tận dụng làm nơi gửi xe tạm thời. Ảnh: Nam Giang
Vướng thủ tục!
Trước tình trạng thiếu bãi đậu xe trầm trọng, mới đây TP đã ban hành quyết định cho phép 117 tuyến đường được sử dụng một phần vỉa hè và 42 tuyến đường ở các quận trung tâm sử dụng lòng đường làm nơi đậu xe có thu phí. Tuy vậy, vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu bến bãi đỗ xe cho người sử dụng ôtô. Nhiều tuyến đường thường xuyên chật kín xe nối đuôi nhau, một khi có xe vừa rời chỗ là lập tức có xe khác lấp vào chỗ trống. Rõ ràng đây chỉ là “sáng kiến” mang tính tạm thời, TP phải quy hoạch bãi đậu xe hiện đại, an toàn là việc làm cần thiết, cấp bách.
Theo quy hoạch, TP cần đến khoảng 520ha diện tích bãi đậu xe ôtô, trong khi bãi đậu xe hiện tại chỉ mới đạt 3,3ha, diện tích chưa đến 1% nhu cầu. Vị trí các bãi đậu xe ôtô được quy hoạch gần khu vực chợ, siêu thị, nhà ga, tại cửa ngõ ra vào khu nội đô và mỗi quận, huyện cần ít nhất một bãi đậu. Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, trên địa bàn trung tâm thành phố hiện có tám vị trí, địa điểm đã được UBND chấp thuận quy hoạch, có thể được nghiên cứu đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm. Sáu trong tám vị trí đã được UBND TP chấp thuận chủ trương cho phép nhà đầu tư tiến hành khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư, và hai vị trí đang kêu gọi đầu tư.
Chính sách chung ưu đãi đối với các dự án đầu tư bãi đậu xe ngầm là theo phương thức BOT: TP hỗ trợ miễn tiền thuê đất và một số quy định, chính sánh ưu đãi khác tùy theo từng trường hợp. Nhà đầu tư được quyền quyết định lệ phí giữ xe, kinh doanh hoàn vốn đầu tư, nếu xét thấy không phù hợp thì thành phố mới can thiệp. Nhưng cho đến nay chỉ có bãi đậu xe ngầm tại Công viên Chi Lăng (quận 1) là hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng. Tuy nhiên, bãi đậu xe này chỉ phục vụ cho khách vào Trung tâm thương mại Vincom là chính. Còn các dự án khác như bãi đậu xe ngầm Công trường Lam Sơn, Công viên Bạch Tùng Diệp, Sân vận động Hoa Lư, Sân bóng đá Tao Đàn đã có đơn vị nhận đầu tư, lập dự án, nhưng rồi vẫn nằm trên giấy… Bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám đã động thổ từ tháng 8/2010 để rồi “trùm mền”.
Quy chế đã được đưa ra nhưng vẫn chưa thông được vì còn vướng quá nhiều thứ và có quá nhiều khó khăn không lường trước được. Khó khăn nhất vẫn là những vấn đề về chính sách ưu đãi và thu hồi vốn của doanh nghiệp.
Có một số nhà đầu tư đang muốn làm những bãi xe ngầm tại khu vực trung tâm TP, nhưng chính quyền TP và các nhà đầu tư chưa đồng thuận về mục đích khai thác bãi đậu xe. TP thì muốn sử dụng mặt bằng để có thể chứa được xe nhiều nhất, còn nhà đầu tư thì muốn chia mặt bằng để kinh doanh các dịch vụ khác nhằm đẩy nhanh thời gian hoàn vốn. Vì trong một số dự án của các doanh nghiệp trình duyệt, khả năng hoàn vốn khá dài, có khi đến 20-30 năm.
Trao đổi với các đơn vị thực hiện dự án bãi đậu xe ngầm, các đơn vị này đều cho rằng đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật là bước đi dài hơi, do vậy các chủ trương chính sách liên quan đến vấn đề này phải ổn định thì doanh nghiệp mới mạnh dạn thực hiện.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: