Đồng thời, Thành phố cũng kiến nghị cho phép HFIC thuê hai lô đất này không qua đấu giá để thực hiện đầu tư dự án.
Trung tâm tài chính TPHCM được quy hoạch xây dựng tại hai lô đất số 1-7 và 1-11 thuộc khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Dự án dự kiến được xây dựng từ 20 đến 50 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 220.000 m2 và tổng mức đầu tư khoảng 4.898 tỷ đồng.
Thời gian xây dựng dự án dự kiến từ năm 2018 đến năm 2021.
Theo UBND Thành phố, dự án sẽ là nơi hội tụ, tạo điều kiện mời gọi, thu hút các tổ chức tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư trong và ngoài nước, cũng như các tập đoàn lớn trên thế giới mở văn phòng hoạt động. Ngoài ra, Trung tâm tài chính sẽ là công cụ tài chính chủ lực của Thành phố trong việc huy động các nguồn vốn trung, dài hạn trong và ngoài nước để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn nguồn chi cho đầu tư của Thành phố ngày càng khó khăn.
Khu chức năng số 1 tọa lạc tại một nửa phía bắc Khu Lõi Trung tâm, là khu trung tâm thương mại dịch vụ đa chức năng mật độ cao. Các tòa tháp cao nhất bố trí dọc theo cạnh đại lộ Vòng cung và Quảng trường Trung tâm, giảm dần chiều cao về phía sông Sài Gòn và Hồ Trung tâm. Các công trình điểm nhấn, công cộng quan trọng trong Khu chức năng số 1 là Trung tâm Hội nghị Triển lãm với Cầu đi bộ qua kênh số 1 kết nối với Nhà Bảo tàng; Nhà hát Giao hưởng và Trung tâm Thông tin Quy hoạch. Chiều cao công trình ở tối đa đến khoảng 50 tầng. Dân số cư trú thường xuyên là 14.900 người. Số người làm việc khoảng 81.700 người.
Trung tuần tháng 5/2016, một nhóm doanh nghiệp đến từ Mỹ đã đề xuất dự án trung tâm tài chính mang tầm cỡ khu vực tại khu chức năng số 1 của khu đô thị này.
Cụ thể, các doanh nghiệp Mỹ gồm Steelman Partners, Cantor Fitzgerald, Weidner Resorts và Tập đoàn IPP của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã đề xuất đầu tư khu phức hợp với quy mô khoảng 11 ha. Dự án dự kiến có tòa nhà cao 70 tầng, trung tâm hội nghị, khách sạn cao cấp, khu bán lẻ, khu vui chơi giải trí, nhà hát opera, tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD.
Theo hồ sơ, dự án có trên 10 hạng mục trung tâm hội nghị, khách sạn cao cấp, khu bán lẻ, khu vui chơi giải trí, nhà hát opera, bến du thuyền… Riêng với tòa tháp văn phòng 70 tầng được kỳ vọng sẽ là trung tâm tài chính – chứng khoán, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến làm việc.
Ngoài tổ hợp khách sạn trên, dự án 4 tỷ USD sẽ xây thêm một khách sạn hình cánh bướm ngay trước tháp tài chính 70 tầng. Theo mô tả, hình ảnh cánh bướm biểu tượng cho sự thay đổi, thể hiện khát vọng vươn tới điều tốt đẹp khi đã hội tụ đủ sức mạnh, tiềm năng.
Theo đề xuất, nếu được thông qua, dự án sẽ có khoảng 3 năm 2 tháng để hoàn thành việc xây dựng các hạng mục, trong đó quá trình hoàn thiện các thiết kế chi tiết sẽ phải mất khoảng 15 tháng. Sau khi hoàn tất, dự án sẽ có 3 tháng để chạy thử, chào hàng, trước khi vận hành chính thức.
Tuy nhiên sau 3 tháng kể từ ngày đề xuất, TP.HCM đã chính thức bác đề xuất điều chỉnh quy hoạch dự án có tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 4 tỷ USD của ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Nguyên nhân chủ yếu là Thành phố không chấp nhận việc điều chỉnh quy hoạch khu chức năng số 1 này. UBND TP cho rằng, việc chỉ định đầu tư vẫn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, nhưng quan điểm của TP.HCM là không thể chấp nhận đầu tư sai với quy hoạch ban đầu.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: