“Đến thời điểm này, các vấn đề liên quan đến điều kiện, trình tự thủ tục, cơ sở pháp lý của chương trình di dời nhà ở trên và ven kênh rạch đã cơ bản đầy đủ… Trong điều kiện TP đảm bảo nguồn vốn cho các dự án thực hiện bằng ngân sách thì chắc chắn khoảng 10.000 căn nhà trên và ven kênh rạch sẽ hoàn thành việc di dời trước năm 2020”. Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn khẳng định tại hội nghị tổng kết năm 2017 như trên.
Hoàn thành di dời 10.000 căn
Theo ông Tuấn, hai năm từ khi Thành ủy TP.HCM đưa chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị vào chương trình đột phá của TP, đến nay chủ yếu là thời gian các ngành chức năng của TP hoàn thiện các trình tự thủ tục chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình. Vì vậy, trong số 20.000 căn dự kiến sẽ di dời xong trong năm 2020 thì hiện nay chủ yếu mới thực hiện tại các dự án làm bằng nguồn vốn ngân sách của giai đoạn trước đó.
Cụ thể, đến nay toàn TP tiến hành di dời được 502 căn thuộc tám dự án: Tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; di dời nhà trên/ven kênh Tẻ; bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa đoạn 1.2…
Theo ông Tuấn, trong nhóm dự án thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách có 13 dự án được TP ghi vốn khoảng 9,35 tỉ đồng. “Hiện các quận, huyện đang khẩn trương triển khai điều tra xã hội học, đo vẽ, kiểm đếm, lập hồ sơ bồi thường để triển khai dự án” - ông Tuấn nói. Ông cũng cho hay trong số các địa phương có dự án thực hiện bằng vốn ngân sách thì quận 4, 6 và Bình Thạnh có khả năng sẽ “về đích” trước năm 2020.
Ông Tuấn cho hay trong số 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch thì có khoảng 10.000 căn thuộc nhóm dự án đầu tư bằng vốn ngân sách. “Nhóm này hiện gần như mọi thủ tục đã hoàn thành, chỉ cần quận, huyện đẩy nhanh tiến độ và TP đảm bảo nguồn vốn thì chắc chắn sẽ hoàn thành sớm” - ông Tuấn cho biết.
Nhà ven kênh rạch ở quận 4, TP.HCM. Ảnh: HTD
Riêng 10.000 căn thực hiện bằng nguồn vốn ngoài ngân sách đang được thực hiện theo hình thức đối tác công tư PPP thì phải qua rất nhiều bước như đề xuất thực hiện dự án, nghiên cứu khả thi, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, quyết định chọn nhà đầu tư, triển khai bồi thường và xây lắp. “Quy trình của phương thức này dài hơn nhiều so với các dự án thực hiện bằng vốn ngân sách sẽ là áp lực về thời gian và áp lực về thủ tục đối với TP” - ông Tuấn cho hay.
Dự kiến đầu tháng 2-2018, TP sẽ tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư cho các dự án nhà ở trên và ven kênh rạch. “Hy vọng rằng với những chính sách cởi mở của TP thì các nhà đầu tư sẽ cùng với TP tham gia dự án, đẩy nhanh tiến độ chỉnh trang đô thị trên địa bàn” - ông Tuấn nói.
Năm 2017: Gần 3.500 vụ vi phạm xây dựng
Liên quan đến vấn đề nóng về vi phạm trật tự xây dựng, Sở Xây dựng cho biết năm 2017 đã phát hiện hơn 3.400 trường hợp (tăng 521 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016). Trong đó xây dựng sai phép hơn 1.100 trường hợp, không phép hơn 1.600. Việc xây dựng không phép tập trung chủ yếu tại Củ Chi (334 trường hợp), quận 2 (147 trường hợp) và huyện Nhà Bè (109 trường hợp).
Thanh tra Sở Xây dựng cho biết năm 2017 các điểm nóng về vi phạm trật tự xây dựng như Bình Chánh, Bình Tân đã giảm nhưng có xu hướng chuyển qua Củ Chi, quận 2.
“Đầu năm 2017, Sở đã ký kế hoạch liên tịch với một số địa phương nóng về xây dựng sai phép, không phép tại Bình Chánh, tập trung lực lượng giám sát và xử lý vi phạm xây dựng. Do đó tại địa phương này tình trạng vi phạm đã giảm đáng kể” - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Lý Thanh Long cho biết.
Trước đó, tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, giám đốc Sở Xây dựng kiến nghị chuyển lực lượng thanh tra xây dựng về quận/huyện, chỉ giữ lại 15% công chức thanh tra viên xây dựng tại Sở. Bí thư Thành ủy hoan nghênh đề xuất này, chỉ đạo Sở Xây dựng sớm hoàn thiện các thủ tục có liên quan để trình Thành ủy xem xét.
Việc di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh rạch là một nhiệm vụ trọng tâm của Sở Xây dựng trong năm 2018. Dự kiến trong năm sẽ hoàn thành bảy dự án đầu tư bằng vốn ngân sách với tổng mức bồi thường gần 3.000 tỉ đồng (hiện TP đã ghi vốn khoảng 1.230 tỉ đồng). Trong 16 dự án đã được ghi vốn đầu tư, phấn đấu hoàn thành ba dự án với tổng kinh phí bồi thường hơn 1.600 tỉ đồng. Giải tỏa gần 900 căn nhà. Nhóm dự án thực hiện theo hình thức PPP sẽ ưu tiên chọn ba dự án trọng điểm với hơn 6.600 hộ dân bị ảnh hưởng, kinh phí bồi thường hơn 15,6 ngàn tỉ đồng. Đó là các dự án: Chỉnh trang đô thị dọc theo bờ Nam kênh Đôi (quận 8), cải tạo rạch Xuyên Tâm và rạch Văn Thánh (Bình Thạnh). Nhóm chưa có chủ trương đầu tư gồm 27 dự án, di dời gần 6.000 căn nhà, kinh phí bồi thường gần 9.000 tỉ đồng… |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: