TP.HCM có đặc khu kinh tế: Hữu thực hay hữu danh?

Nếu TP.HCM thành đặc khu kinh tế thực sự thì nội lực ấy tự nó có sức lan tỏa và mặc nhiên chiếm vị trí đầu tàu kinh tế cả nước.

Nếu TP.HCM thành đặc khu kinh tế thực sự thì nội lực ấy tự nó có sức lan tỏa và mặc nhiên chiếm vị trí đầu tàu kinh tế cả nước.

TS Nguyễn Hữu Nguyên

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và chính sách Quốc gia (Đại học KHXH &NV TP.HCM) trao đổi với Đất Việt về ý tưởng xây dựng đặc khu kinh tế TP.HCM.

PV: - UBND TP.HCM vừa giao Viện Nghiên cứu Phát triển TP chủ trì hoàn chỉnh đề cương chi tiết đề án thành lập đặc khu kinh tế. Dự kiến, đặc khu kinh tế sẽ được xây dựng trên địa bàn quận 7, huyện Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế phát triển của TP HCM. Trước đó, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh cần xây dựng TP.HCM thành đặc khu kinh tế của cả nước. Theo ông, TP.HCM có những tiềm năng, lợi thế gì để xây dựng đặc khu kinh tế?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: - Tôi chưa thấy công bố nội dung của đề cương thành lập đặc khu kinh tế nên chưa biết những luận chứng kinh tế xã hội như thế nào, chỉ có ý kiến về dự kiến khu vực xây dựng (quận 7, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ).

Khu vực này nằm ở phía đông nam TP - là nơi thế đất thấp hơn so với tây bắc. Nếu nước biển dâng cao theo kịch bản thì đây là khu vực bị ngập trước, (ngay thời điểm này cũng đã ngập nhiều hơn các hướng khác). Vậy có giải pháp kỹ thuật nào để khắc phục?

Lợi thế lớn nhất của TP.HCM là yếu tố địa kinh tế-nằm ở trung tâm của Nam bộ, có đường biển, đường không và đường bộ nối với thị trường thế giới, có nguồn nhân lực dồi dào (gần 10 triệu, chiếm 1/9 cả nước) nhưng phần nhiều là chất lượng chưa cao.

Tuy nhiên, mặt trái của dân số đông là tình trạng quá tải toàn diện (giao thông, môi trường, y tế, giáo dục, trật tự an toàn xã hộ..), cùng với những bất hợp lý về quy hoạch để lại (tỷ lệ diện tích dành cho giao thông quá thấp, không hình thành các phân khu chức năng rõ ràng, nén mật độ dân số vào trung tâm quá cao, ngập úng ngày càng tăng…), đã tạo ra lực cản không nhỏ.

Như vậy không nên chỉ nhấn mạnh tiềm năng, lợi thế mà quan trọng hơn là phải so sánh với trở lực và thách thức (khách quan và chủ quan) để nhận biết mặt thuận lợi lớn hơn đến mức có thể trở thành đặc khu kinh tế cho cả nước được không? Đồng thời phải làm rõ khái niệm “đặc khu kinh tế ” khác biệt cơ bản so với các vùng kinh tế khác là gì? Tóm lại còn quá nhiều vấn đề lý luận chưa làm rõ.

PV: - Thực ra không phải đến bây giờ vai trò, khả năng phát triển của TP.HCM mới được ghi nhận. Cách đây 40 năm, TP.HCM đã được coi là hòn ngọc Viễn Đông, có thể ganh đua với Bangkok nhưng đến nay năng lực cạnh tranh của TP.HCM so với Bangkok và nhiều thành phố đối thủ khác trong khu vực châu Á lại ở vị trí thấp nhất. Đây có phải là điều nghịch lý không thưa ông? Tại sao TP.HCM lại làm được kỳ diệu cách đây hàng chục năm trong khi bây giờ lại tụt lại về sau?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: - Là nghịch lý, nhưng do con người tạo ra. Đó là còn thiếu một triết lý phát triển (chất lượng sống tốt, thân thiện, nghĩa tình… mới là tiêu chí của đô thị hiện đại-chưa phải là triết lý phát triển vì nó chưa mang sắc thái riêng của TP. HCM), thiếu một chiến lược phát triển rõ ràng, dẫn đến làm quy hoạch ngược (đáng lý phải làm quy hoạch tổng thể trước nhưng lại làm sau quy hoạch chi tiết), dẫn đến đô thị hóa tự phát cả về xây dựng và dân số. Đó là những khiếm khuyết không sửa chữa được (vì không thể quy hoạch lại không gian và dân số). Đó là nguyên nhân khiến năng lực cạnh tranh của TP HCM yếu đi.

Năng lực cạnh tranh giảm có thể còn phản ánh một khía cạnh khác là những tiềm năng và lợi thế của TP (địa kinh tế và nguồn nhân lực) đã được khai thác gần đến giới hạn, không còn sức bật mạnh như trước đây.

PV: - Một chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, thách thức lớn nhất dẫn đến việc TP.HCM không phát triển tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng là ngân sách eo hẹp và đề xuất rằng nên tăng gấp đôi ngân sách cho TP.HCM. Ông đồng tình ở mức độ nào với quan điểm này? Theo ông, đâu mới là vướng mắc lớn nhất cần tháo bỏ để tạo sức bật cho TP.HCM?

Nếu TP.HCM trở thành đặc khu kinh tế thực sự thì nội lực ấy tự nó có sức lan tỏa và mặc nhiên chiếm vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước

TS Nguyễn Hữu Nguyên: - Tiềm năng và lợi thế của TP về địa kinh tế là điều kiện tự nhiên nên không tăng lên được. Lợi thế về nguồn nhân lực cũng không tăng vì đào tạo không đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp nên rất nhiều cử nhân thất nghiệp nên vẫn thiếu lao động chất lượng cao. Điều đó chứng tỏ: phát triển không tương xứng tiềm năng không phải chỉ do ngân sách eo hẹp.

Một thực tế là năng suất lao động Việt Nam rất thấp so với khu vực- nếu tăng gấp đôi ngân sách mà năng xuất lao động thấp thì chỉ làm cho nợ công tăng lên. Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy: tăng vốn đầu tư không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với tăng trưởng-đó là bài học của Hy Lạp-đồng Euro tràn vào không làm cho kinh tế mạnh lên mà bị nhấn chìm trong nợ công.

Những hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực, về năng xuất lao động thấp không thể tháo gở một sớm một chiều vì liên quan đến đổi mới giáo dục đào tạo còn đang lúng túng, chưa phát huy được tác dụng.

PV: - Để xây dựng đặc khu kinh tế thành công, thực sự trở thành bàn đạp phát triển, theo ông TP.HCM cần có những điều kiện cần và đủ gì?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: - Đây là câu hỏi không thể trả lời ngắn gọn vì nó tùy thuộc vào rất nhiều điều kiện khách quan trong nước và những “biến số” trên thị trường quốc tế-mà đòi hỏi phải nghiên cứu bởi các chuyên gia đa ngành-chứ không phải cứ đưa vào nghị quyết là thực hiện được. Có một điều kiện rất quan trọng nhưng chưa có là khoa học quản lý đô thị hiện đại theo kinh tế thị trường-đề án đổi mới chính quyền đô thị của TP chưa đủ sức thuyết phục và chưa được triển khai.

PV: - Nếu TP.HCM trở thành đặc khu kinh tế thì sức lan tỏa của nó sẽ thế nào và thúc đẩy kinh tế Việt Nam đi lên ra sao, thưa ông?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: - Nếu TP.HCM trở thành đặc khu kinh tế thực sự, tức là có năng suất lao động cao, trình độ quản lý và công nghệ cao, năng lực cạnh tranh cao, cơ sở hạ tầng hiện đại, trình độ dân trí cao, chất lượng môi trường tốt… thì nội lực ấy tự nó có sức lan tỏa và mặc nhiên chiếm vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước. Nhưng nếu chỉ là phấn đấu để đạt “danh hiệu đặc khu” như kiểu “nâng loại đô thị” thì sẽ phản tác dụng.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME

Chia sẻ & Bình luận

ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ
X HOME - THINKDIFFERENTLY * NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT chuyên thiết kế, thi công xây dựng, nội thất, sơn bả thạch cao, mỹ thuật, sân vườn tiểu cảnh, cây cảnh, cây công trình. Hotline: 0965.163.169 - 0975.163.169 - 0949.163.169 - 0902.112.114 - 0915.511.577

CHAT VỚI

Chát 24/24