Đó là quan điểm được UBND TP HCM nêu trong văn bản mới nhất gởi Bộ GTVT về việc triển khai dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành.
Sân bay Tân Sơn Nhất
Theo UBND TP HCM, việc xem xét đầu tư mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất không phải là giải pháp hiệu quả nên chính quyền TP thống nhất với Bộ GTVT về việc triển khai dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo UBND TP, với công suất khoảng 20 triệu lượt người/năm, hệ thống giao thông kết nối hiện hữu với sân bay Tân Sơn Nhất đã thường xuyên bị quá tải. Nếu nâng tổng công suất lên 50 triệu lượt người/năm thì sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được mở rộng về phía Bắc với diện tích giải phóng mặt bằng thêm 641 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 9,152 tỉ USD. Với quy mô mở rộng này, hệ thống giao thông xung quanh sân bay hiện hữu sẽ quá tải dẫn đến ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên diện rộng.
Ngoài ra, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ ảnh hưởng đến môi trường do phải di dời, tái định cư nhiều hộ dân, ô nhiễm tiếng ồn và khí thải sẽ vượt xa tiêu chuẩn cho phép.
Mặt khác, sau khi hoàn thành mở rộng, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ hạn chế rất lớn đến việc thực hiện quy hoạch phát triển đô thị do bị khống chế về tĩnh không, phễu bay, chưa tính đến các yếu tố liên quan quy hoạch, quản lý vùng trời của Bộ Quốc phòng.
UBND TP HCM cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh tiến độ, đặt mục tiêu hoàn thành, đưa sân bay Long Thành đi vào khai thác sớm hơn so với dự kiến là năm 2023. Theo báo cáo giải trình của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, đến năm 2016 - 2017, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ mãn tải; trong khi đến năm 2023, sân bay Long Thành mới có thể được đưa vào khai thác giai đoạn 1a (đáp ứng 17 triệu lượt người/năm) là chậm.
Liên tục trong những năm gần đây, cử tri quận Tân Bình, TP HCM đã nhiều lần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, HĐND TP và UBND TP HCM không nên thực hiện dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành vì cho rằng không cần thiết và lãng phí, mà chỉ nên mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hiện hữu.