Nhiều sai phạm
Lòng sông Phú Thọ, đoạn qua xã Nghĩa Phú, Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) ngày càng thu hẹp, do người dân lấn chiếm hoặc cơi nới, xây dựng công trình trên đất bãi bồi ven sông. Trong khi đoạn sông qua xã Nghĩa Phú bị nhiều hộ lấn chiếm làm bè nổi kinh doanh ăn uống, thì tại xã Nghĩa Hà, dưới chân cầu Hiền Lương hàng chục hồ tôm, cùng hàng loạt hàng quán được dựng bằng khung sắt quây tôn.
“Khoảng 22ha nuôi tôm ven sông Phú Thọ qua xã Nghĩa Hà đã được UBND huyện Tư Nghĩa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho 42 hộ dân. Vì vậy, trách nhiệm của xã là kiểm tra, khuyến khích 42 hộ dân trên sử dụng đất đúng mục đích, cũng như không cơi nới, lấn chiếm thêm!”, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà Trần Ngọc Xôn lý giải.
Nhiều bè nổi kinh doanh ăn uống trên sông Vực Hồng, đoạn qua xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa).
Trong khi đó, hai bờ sông Vực Hồng, đoạn qua xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) và Đức Lợi (Mộ Đức) nhất là đoạn sông ở khu vực Bãi Dừa, thuộc xã Nghĩa Hòa hiện gần 20 bè nổi kinh doanh ăn uống nằm san sát và kéo dài ra tận giữa sông Vực Hồng.
Theo Sở TN&MT, diện tích bãi bồi ven sông là đất công, do nhà nước quản lý nên không thể cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, do đặc thù của sông Quảng Ngãi có độ dốc lớn, lòng sông hẹp nên bãi bồi rộng. Tận dụng bãi bồi này, chính quyền một số địa phương tổ chức đấu thầu việc sử dụng đất hằng năm nhằm tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân tổ chức sản xuất. Nhưng quá trình sử dụng, ngoài diện tích bãi bồi thì nhiều hộ còn tự ý lấn chiếm ra lòng sông để sản xuất, thậm chí cơi nới để xây dựng công trình kiên cố.
Kiên quyết xử lý
“Tình trạng người dân lấn chiếm, sử dụng trái quy định nhiều khu đất bãi bồi ven sông là do chính quyền địa phương buông lỏng công tác quản lý. Tình trạng này sẽ gây ra hệ quả nhãn tiền là khi Nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình dân sinh thì người dân đòi bồi thường, gây khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng phục vụ dự án”, Quyền Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Đức Trung cho biết.
Xem thêm: Tin tức bđs quảng ngãi mới nhất
Như tại xã Nghĩa Hòa, nhiều trường hợp tự ý cơi nới công trình, lấn chiếm sông Vực Hồng để làm bè nổi kinh doanh ăn uống nhưng khi có dự án, người dân lại yêu cầu bồi phường hoặc bố trí tái định cư. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, mà còn gây mất an ninh trật tự địa phương.
Còn tại khu vực sông Phú Thọ, việc lấn chiếm lòng sông không chỉ gây nguy hiểm cho tàu thuyền của ngư dân mỗi khi ra vào, mà còn ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát lũ. Không những vậy, hàng chục lều quán đang được dựng phía trên mặt hồ để kinh doanh ăn uống sẽ gây ô nhiễm môi trường, về lâu dài sẽ phát sinh những hệ lụy, trong đó có vấn nạn tranh chấp yêu cầu bồi thường khi có công trình, dự án triển khai.
Quyền Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Đức Trung cho biết: Để chấn chỉnh tình trạng này, sắp đến Sở TN&MT sẽ tổ chức rà soát tổng thể các trường hợp lấn chiếm lòng sông, bãi bồi ven sông đã được chính quyền địa phương cấp GCNQSDĐ (kể cả 22ha đã được UBND huyện Tư Nghĩa cấp giấy CNQSDĐ cho 42 hộ dân nuôi trồng thủy sản ven sông Phú Thọ), để báo cáo và tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý phù hợp.
Trường hợp diện tích được cấp GCNQSDĐ không đúng quy định của pháp luật thì phải thu hồi, hoàn trả cho Nhà nước. Riêng một số diện tích được cấp GCNQSDĐ phù hợp với quy hoạch và người dân khai hoang trước những thời điểm quy định thì sẽ được xem xét chi tiết tương ứng với từng mốc thời gian cụ thể.
Ngoài ra, Sở TN&MT sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát tình trạng sử dụng đất bãi bồi ven sông ở các địa phương, kiên quyết không để xảy ra tình trạng lấn chiếm mới hoặc tái lấn chiếm. Đối với phần diện tích bãi bồi ven sông đã được cấp GCNQSDĐ thì sẽ quản lý chặt chẽ, tránh phát sinh tình trạng các hộ dân mở rộng, xây dựng, lấn chiếm thêm.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: