Theo Báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, quan ngại vẫn còn, liên quan đến thu chi ngằn sách mất cân đối?
Lĩnh vực kinh tế đã cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ nét, nhất là tốc độ tăng trưởng GDP năm 2015 có khả năng đạt trên 6,5%. Hơn nữa, các yếu tố về kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định hơn, chỉ số lạm phát dự kiến chỉ ở mức 2%.
Cùng với đó chúng ta tiếp tục cải thiện cán cân vãng lai, cán cân thanh toán tổng thể, góp phần tăng trưởng ngoại hối; tỷ giá được điều hành, kiểm soát một cách linh hoạt, qua đó góp phần kéo giảm được lãi suất trên thị trường...
Về thu chi ngân sách Nhà nước (NSNN), tôi đánh giá rất cao tình hình thực hiện NSNN của chúng ta trong năm 2015. Do giá dầu thô trên thế giới đã giảm rất sâu, từ 100 USD/thùng xuống chỉ còn khoảng 50 USD/thùng, đã làm hụt đi nguồn thu dầu thô lên tới 32 nghìn tỷ đồng.
Nhưng, chúng ta vẫn tiếp tục cân đối được NSNN và giữ được mức bội chi khoảng 5% GDP. Như vậy là, đã có sự tập trung tất cả nguồn thu và kiểm soát các nguồn chi một cách chặt chẽ.
Bên cạnh vấn đề thâm hụt ngân sách gây áp lực lên an toàn nợ công, việc sử dụng nguồn vốn Nhà nước lâu nay cũng được cho rằng chưa thực sự hiệu quả, thưa ông?
Chỉ số ICOR - đo lường hiệu quả trong đầu tư công - đã có sự cải thiện. Tổng vốn đầu tư xã hội năm 2015 chỉ ở mức khoảng 30% GDP, so với tăng trưởng kinh tế ước tính thì ICOR chỉ ở mức 5, trong khi trước đây lên tới 6,5 thậm chí 8. Điều đó cho thấy quá trình tái cơ cấu của chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định, đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống các TCTD.
Chúng ta đã giảm được nợ xấu và từ đó làm tăng lưu thông tiền tệ, tín dụng; dư nợ tín dụng tăng trở lại khiến vốn đầu tư tăng lên. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch đề ra…
Cũng liên quan đến nợ công, ông nhìn nhận thế nào về việc phát hành trái phiếu Chính phủ để cơ cấu lại nợ trong nước mà gần đây có nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo?
Năm 2015, các khoản trái phiếu đến hạn vào khoảng 125 nghìn tỷ đồng và chúng ta đã phát hành trái phiếu đảo nợ khoản này. Năm 2016, khoản trái phiếu sẽ tiếp tục phát hành để đảo nợ khoảng 95 nghìn tỷ đồng. Việc chúng ta đảo nợ là chuyện bình thường vì trong tình huống NSNN năm nào cũng bội chi. Nhưng, khoản đảo nợ ngày càng giảm và chúng ta có lợi thế là việc đảo nợ các khoản trái phiếu lãi suất cao trước đây, giờ đảo nợ với lãi suất thấp hơn.
Một điểm khác, nợ công năm 2015 dự kiến khoảng 64% GDP, nhưng đến nay mặc dù tình hình cân đối NSNN khó khăn thì nợ công chỉ khoảng 61,3% GDP. Hay nợ nước ngoài dự kiến chúng ta khoảng 42% GDP, nhưng cuối năm nay chỉ khoảng 41,5%.
Như vậy, nợ công của chúng ta có tăng cao nhưng tỷ trọng so với GDP vẫn thấp hơn so với dự kiến ban đầu. Điều đó cho thấy đã có những sự cải thiện nhất định khi đã có Luật Đầu tư công, cũng như quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt kết quả bước đầu.
Liên quan đến đề nghị phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế, ông có ý kiến gì?
Nhu cầu đầu tư phát triển của Việt Nam là rất lớn. Việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế là cần thiết. Vấn đề hiện nay của chúng ta là sử dụng nguồn vốn như thế nào để phát huy được hiệu quả, để có nguồn thu tăng thêm cho tương lai. Cái chúng ta quan tâm hiện nay là nợ nước ngoài có xu hướng giảm tỷ trong GDP, nhưng nợ trong nước lại tăng lên.
Điểm nữa là theo kế hoạch chúng ta sẽ bán cổ phần, thoái vốn ở một số DNNN thu về khoảng 40 nghìn tỷ đồng. Trong khoản này, 10 nghìn tỷ đồng để lại “đắp” vào NSNN năm 2015 và 30 nghìn tỷ đồng còn lại chi đầu tư phát triển năm 2016.
Xin cảm ơn ông!
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: