Ê chề
Đó là cảm giác của rất nhiều người thuê, mua nhà ở xã hội khi nói về thực trạng nơi mình đang ở hiện tại.
Anh N., 35 tuổi, đang sống tại một dự án nhà ở xã hội trên địa bàn quận 12, TPHCM. “Ê chề lắm. Tôi mua và dọn về căn nhà này đã hơn 2 năm nay. Những tưởng an cư ổn định cuộc sống, nhưng chỉ ổn định được chỗ ở thôi, không biết mình có được là chủ nhà thực sự không khi đóng tiền đầy đủ rồi vẫn chưa ra sổ. Mà 2 năm rồi chứ ít gì”, anh N. cho biết.
Anh này cho biết thêm tiền phí bảo trì cư dân đóng, nhưng chưa bao giờ thấy tổ chức đại hội chung cư, công khai tài chính. Số tiền đó đi đâu?
Topaz Home từng là tâm điểm dư luận do an ninh chung cư lỏng lẻo, dẫn đến tai nạn thương tâm
Anh N. cho biết, năm 2018, anh và người chị của mình quyết định vay tiền mua căn hộ tại chung cư Topaz Home (đường Phan Văn Hớn, quận 12) và dọn về ở. Tuy nhiên, đến hiện tại, anh và nhiều cư dân ở đây lâm vào tình trạng dở khóc dở cười vì thực trạng “xây xong rồi bỏ đó”.
Theo tìm hiểu, chung cư này do Công ty cổ phần dịch vụ nông nghiệp và thương mại Thuận Kiều làm chủ đầu tư và Công ty cổ phần thương mại – dịch vụ - xây dựng – kinh doanh nhà Vạn Thái (Vạn Thái Land) làm đơn vị phát triển.
Chung cư này từng là tâm điểm dư luận hồi tháng trước khi xảy ra vụ hai nữ sinh từ nơi khác đến đây nhảy lầu, gây kinh hoàng cho người dân cũng như xã hội.
Theo anh N., tình trạng này xảy ra vì an ninh lỏng lẻo, không có ban quản lý, ai muốn ra thì ra, vào thì vào. “An ninh làm sao đảm bảo khi còn chưa có ban quản lý? Chúng tôi chỉ tự nhà ai người nấy quản lý thôi… Vay tiền tỉ mua nhà chứ ít gì. Nhà đầu tư với đơn vị phát triển dự án đi đâu hết rồi?” anh N. bức xúc.
Nhưng anh N. còn may mắn hơn nhiều trường hợp khác. Nhiều người đặt cọc giữ chỗ hoặc mua nhà ở xã hội nhưng đến hiện tại vẫn chưa có nhà để ở. Thậm chí, nhiều dự án còn chưa khởi công, mới là bãi đất trống, tất cả còn đang nằm trên giấy.
Người mua dự án Tân Bình Apartment từng giăng băng rôn tại dự án để phản đối công ty Tân Bình
Điển hình là dự án Nhà ở xã hội quận Tân Bình (tên thương mại: Tân Bình Apartment) do Công ty TNHH Đầu tư BĐS Tân Bình (công ty Tân Bình) làm chủ đầu tư. Dự án tọa lạc tại đường Hoàng Bật Đạt, phường 15, quận Tân Bình, được Sở Xây dựng TP.HCM phê duyệt từ 2015, cấp phép xây xây tối đa 14 tầng với 168 căn hộ.
Ban đầu, Công ty Tân Bình cam kết bàn giao nhà vào tháng 3-2016. Nhưng thực tế, đến năm 2020, cư dân vẫn chưa được bàn giao nhà. Bức xúc, người mua nhà đã nhiều lần tìm chủ đầu tư đối thoại, giăng băng rôn phản đối tại dự án.
Dự án từng bị Thanh Tra Sở Xây dựng TP.HCM ra quyết định xử phạt hành chính với 19 lỗi vi phạm, trong đó có việc tự ý xây thêm tầng. Thanh tra Sở yêu cầu nhà đầu tư “cắt gọt” các tầng dư.
Sau đó, UBND TP.HCM vào cuộc, yêu cầu chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho người dân trước tháng 4/2021. Nhưng đến hiện tại, chủ đầu tư dự án vẫn chưa cho thấy thiện chí.
Điều chỉnh quy định
Trước những thực trạng tréo ngoe của việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội, ngày 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP về việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội. So với Nghị định 100/2015, Nghị định 49/2021 được kỳ vọng gỡ vướng cho nhà ở xã hội.
Trong đó, nổi bật là hai nhóm vấn đề còn tồn đọng, vướng mắc sẽ được Nghị định 49 tháo gỡ. Đó là quy định về quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.
Ngoài ra, Nghị định 49 cũng chi tiết hơn về mức vốn vay, lãi suất và thời hạn vay đối với người có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Nghị định 49 có rất nhiều điểm mới, sửa đổi bổ sung một số điều từ Nghị định 100/2015. Nhưng, theo ông Châu, để thực sự xử lý được những vướng mắc, bất cập trong việc quản lý nhà ở xã hội, cần có thông tư bổ sung quy định, điều luật trong việc lựa chọn nhà đầu tư.
Cụ thể, trong văn bản số 33/2021/CV-HoREA, hiệp hội kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điểm b Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, cho rằng để tránh những bất cập đến từ phía nhà đầu tư, gây nên những lộn xộn trong việc quản lý nhà ở xã hội, cần có những quy định cụ thể từ phía cơ quan có thẩm quyền trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực sự có năng lực, đáp ứng điều kiện kinh doanh bất động sản.
Để làm được điều đó, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành thông tư hướng dẫn quy định về điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội (theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP).
Trong đó, có quy định tiêu chí đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, để tổ chức đấu thầu các diện tích đất do Nhà nước quản lý (đất sạch) đã được quy hoạch phát triển nhà ở xã hội.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: