Tiếp tục khẳng định không chia lại ruộng đất

Ngày 17/4, dù là ngày cuối cùng của Phiên họp thứ 17 nhưng hội trường Quốc hội vẫn “nóng” bởi nhiều đại biểu tham dự muốn có ý kiến đóng góp cho Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình tại kỳ họp thứ 5, QH khóa XIII. Đây có thể coi là dự án Luật phức tạp và thu hút nhiều quan tâm của người dân nhất.

Ngày 17/4, dù là ngày cuối cùng của Phiên họp thứ 17 nhưng hội trường Quốc hội vẫn “nóng” bởi nhiều đại biểu tham dự muốn có ý kiến đóng góp cho Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình tại kỳ họp thứ 5, QH khóa XIII. Đây có thể coi là dự án Luật phức tạp và thu hút nhiều quan tâm của người dân nhất.

Phải bồi thường ngang giá thị trường

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) của QH Nguyễn Văn Giàu, từ đầu tháng 2 đến nay, đã có gần 7 triệu lượt ý kiến người dân đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chủ yếu muốn làm rõ cơ chế thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; định giá đất; chính sách thuế liên quan đến đất đai để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý đất đai ngày càng hiệu quả hơn, phù hợp với cơ chế thị trường. Nhiều địa phương còn đề nghị thành lập cơ quan định giá đất độc lập với cơ quan quyết định thu hồi đất.

Nhiều nơi đề nghị sử dụng khái niệm “trưng mua” đất đai thay cho “thu hồi đất”. Vấn đề này, ông Giàu không tán thành và cho hay: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất bởi đây là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu; người sử dụng đất được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, để thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất... Tại điều 13, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản đã quy định “Nhà nước trưng mua nhà và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp”.


Ổn định đất nông nghiệp để cuộc sống nông dân đỡ xáo trộn

Cũng theo Chủ nhiệm UBKT, Thường trực UBKT đồng ý tiếp thu và chỉnh lý quy định giá đất để tính bồi thường phải bảo đảm nguyên tắc bồi thường ngang giá. Theo đó, người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 73 của Luật này thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng với loại đất khi Nhà nước thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất của loại đất khi Nhà nước thu hồi tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

Không chia lại ruộng đất

Gần 70% dân số sống bằng nghề nông nghiệp nên có ý kiến đề nghị Chính phủ điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân, đặc biệt là điều chỉnh lại đất nông nghiệp của những người đã thoát ly, người đã chết để giao cho các hộ gia đình, cá nhân chưa được giao đất. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm UBKT của QH, điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao khi hết thời hạn sẽ là một sự thay đổi lớn về chính sách, có thể gây xáo trộn khu vực nông thôn, tác động đến ổn định xã hội. Ngoài ra, trong những năm qua nhiều địa phương đã thực hiện dồn điền, đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng, thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Việc chia lại ruộng đất sẽ xóa bỏ những thành quả đã thu được. Mặt khác, Luật Đất đai cũng quy định người sử dụng đất có các quyền và thực tế nhiều trường hợp sau khi được giao đất đã thực hiện chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, thừa kế, góp vốn; một số trường hợp Nhà nước đã thu hồi đất và người có đất đã được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đã tìm được việc làm mới. Nếu thực hiện điều chỉnh đất nông nghiệp sẽ tạo ra sự không bình đẳng giữa những người sử dụng đất.

Để cho “tâm phục, khẩu phục hơn”, ông Giàu đưa thêm lập luận về đất nông nghiệp. Đó là hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối đã được quy định trong Luật Đất đai qua các thời kỳ trên cơ sở dân số nông nghiệp và quỹ đất nông nghiệp của các vùng như đồng bằng (có quy định riêng với đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam bộ do quỹ đất nông nghiệp có nhiều hơn), trung du và miền núi. Trong thực tế, việc giao đất nông nghiệp chủ yếu đã thực hiện trong giai đoạn theo Luật Đất đai 1993, đến nay quỹ đất nông nghiệp đã cơ bản giao hết theo Nghị định 64 của Chính phủ, có rất ít địa phương còn quỹ đất nông nghiệp để giao.

Mặt khác, theo Luật Đất đai 1993 và 2003, khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Nhà nước không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân. Vì vậy, dự thảo Luật tiếp tục kế thừa các quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp trong Luật Đất đai 2003 để đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật và đời sống của các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang kiến nghị: Để khắc phục tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương chưa nghiêm, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cần bổ sung quy định các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt các loại đất này theo hướng các dự án sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần phải được cấp có thẩm quyền cho phép theo quy định của Chính phủ.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cơ bản tán thành với việc tiếp tục quy định chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai vì cho rằng đất đai là thành quả do công sức khai phá, bồi đắp của các thế hệ người Việt Nam, là thành quả cách mạng của nhân dân ta. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển đề nghị cần làm rõ quyền của người sử dụng đất và quyền của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai.

Ông Hiển cho rằng, suốt từ năm 1993, năm 2003 đến nay có một câu chuyện là quyền của Nhà nước thế nào, quyền của người sử dụng đất thế nào thì thấy rằng rõ ràng có những mâu thuẫn. Những mâu thuẫn này nếu không giải quyết sẽ tạo ra những bức xúc. “Chính phủ nên rà soát lại và làm rõ hơn các quyền của Nhà nước và quyền của người sử dụng đất gắn với mục đích của đất đai được giao. Nếu cứ đánh đồng thì rất khó và không giải quyết được vấn đề đặt ra hiện nay” - ông Hiển kiến nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cũng đồng tình kiến nghị này nhưng bổ sung thêm quy định rõ các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các trường hợp khác.

Tỏ vẻ hài lòng với các ý kiến góp ý của các thành viên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khép lại phiên họp bằng yêu cầu: Các cơ quan soạn thảo và cơ quan hữu quan phải tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến đã được thảo luận tại phiên họp để hoàn thiện sớm các dự thảo Luật trước khi trình QH.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME

Chia sẻ & Bình luận

ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ
X HOME - THINKDIFFERENTLY * NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT chuyên thiết kế, thi công xây dựng, nội thất, sơn bả thạch cao, mỹ thuật, sân vườn tiểu cảnh, cây cảnh, cây công trình. Hotline: 0965.163.169 - 0975.163.169 - 0949.163.169 - 0902.112.114 - 0915.511.577

CHAT VỚI

Chát 24/24