Ông Nguyễn Huy Việt trao đổi với PV về việc tạm dừng dự án.
Trong những ngày qua, khi biết chủ trương đập bỏ trường chuẩn quốc gia (Trường THCS Ninh Hiệp) để nhường đất cho công ty tư nhân xây dựng TTTM đã dấy lên một làn sóng phản đối dữ dội của các tiểu thương tại xã Ninh Hiệp. Họ đã gây sức ép bằng cách cho con nghỉ học, đóng cửa hàng, đến trụ sở UBND đòi các lãnh đạo xã, huyện đối thoại công khai về việc xây dựng TTTM có nhiều khuất tất.
Trước đó, vào tháng 12/2009, Liên ngành Công Thương– Liên minh HTX TP Hà Nội - UBND huyện Gia Lâm có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội để chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác chợ Nành- Ninh Hiệp. Ngày 26/1/2010, UBND TP Hà Nội ra văn bản chấp thuận chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ Nành- Ninh Hiệp. Thế nhưng, quá trình thực hiện phương án xây dựng lại chợ Nành- Ninh Hiệp theo mô hình mới để khai thác quản lý của Liên ngành đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của hàng nghìn tiểu thương.
Ngày 19/7/2010, ông Nguyễn Huy Việt, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội “xin” dừng phương án chuyển đổi quản lý chợ Nành - Ninh Hiệp. Theo văn bản này, việc chuyển đổi chợ sẽ được tiếp tục khi có sự đồng thuận cao trong nhân dân. Công văn của UBND huyện Gia Lâm đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận phương án dừng chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản lý chợ.
Khi chưa có quyết định chính thức, Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dũng đã cho di chuyển mồ mả, san lấp mặt bằng. Ảnh: T.G
Trong buổi đối thoại ngày 13/1/2014, hàng nghìn tiểu thương đề nghị UBND xã, huyện và thành phố không di chuyển Trường THCS Ninh Hiệp - một trường học được thành lập từ năm 1945, vừa đạt chuẩn quốc gia năm 2012 đến nơi khác; không được chuyển nhà gửi xe hiện nay ở cạnh chợ Nành - Ninh Hiệp và không xây thêm TTTM.
Được biết, năm 2010, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Huy Việt đã từng đề xuất hướng cải tạo là "nhà nước và nhân dân cùng làm". Nghĩa là, các hộ tiểu thương sẽ bầu ra Ban quản trị của chợ là HTX Dịch vụ tổng hợp Ninh Hiệp để đại diện cho hơn 1.300 tiểu thương. Sau đó, Ban quản trị có trách nhiệm lập dự án để xây dựng, cải tạo chợ với sự thống nhất của các hộ tiểu thương. Nguồn vốn xây dựng chợ sẽ do các hộ tiểu thương đóng góp, một phần do nhà nước hỗ trợ.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Huy Việt cho biết, đã yêu cầu 2 công ty liên danh đầu tư xây dựng chợ và TTTM là Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung và Công ty Cổ phần đầu tư và tư vấn Kim Điền phải dừng thực hiện dự án để tiếp tục tuyên truyền, vận động, giải thích… tạo sự đồng thuận của nhân dân.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: