Xung quanh những băn khoăn về tính khả thi của gói tín dụng 50.000 tỷ đồng, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đực – Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh.
Theo ông Đực, các ngân hàng khi cho vay sẽ xem xét về tính pháp lý của DN tham gia vay gói tính dụng 50.000 tỷ. Nhưng điều quan trọng là, ngân hàng sẽ đánh giá xem sản phẩm DN làm ra có tiêu thụ được không. Vì nếu sản phẩm làm ra mà không tiêu thụ được thì ngân hàng sẽ mất tiền và sẽ ôm nợ. Do đó điều kiện tiên quyết là sản phẩm làm ra phải bán được, đó cũng là mục tiêu của chương trình này.
Dư luận rất băn khoăn về tính khả thi của gói tín dụng này, bởi thời gian qua, nhiều giải pháp cứu thị trường BĐS đã được đưa ra nhưng chưa phát huy được hiệu quả?
Tôi cho rằng, khi tham gia gói tín dụng này, DN phải trình bày dự án của mình có tính khả thi, có tính pháp lý. Ngân hàng phải xem xét một cách kỹ lưỡng dự án đó và đưa ra mức lãi suất hợp lý. Còn phía đơn vị thi công, DN cung ứng vật tư phải cung ứng những sản phẩm chất lượng cao, giá hợp lý. Theo tôi, chuỗi liên kết "4 nhà” này giống như 4 con người cộng sinh với nhau, cả 4 bên đều có lợi, cùng liên kết, mỗi bên cùng chấp nhận những lợi ích vừa phải, tạo thuận lợi cho nhau: Ngân hàng đưa ra lãi suất thấp, đơn vị thi công cung ứng vật liệu bán mức thấp… Tôi tin với sự cộng sinh 4 nhà này, thị trường BĐS sẽ vượt qua những khó khăn hiện tại.
Nếu gói 50 ngàn tỷ được thực hiện tốt, giá nhà sẽ ra sao?
Nếu chuỗi liên kết 4 nhà phối hợp với nhau tốt, ngân hàng cho vay lãi suất thấp, nhà cung ứng vật tư đưa ra giá rẻ, thì tất nhiên sẽ giảm chi phí xây dựng cho DN. Điều này tất yếu sẽ giúp giá nhà đến tay người tiêu dùng được giảm. Và như vậy, trong câu chuyện này, thị trường BĐS có lợi và cả người dân cũng có lợi khi giá nhà được giảm sâu.
Dư luận hiện đang đặt câu hỏi, gói 30.000 tỷ đã và đang gặp phải những bế tắc và bước đầu không đạt thành công giờ đây lại thêm gói 50.000 tỷ, liệu có rủi ro nào không?
- Gói 30.000 tỷ hoàn toàn khác với gói 50.000 tỷ lần này. Tính khả thi cũng khác vì gói 30.000 tỷ tùy thuộc vào diện tích sản phẩm. Thực tế hiện nay, thị trường đang thiếu sản phẩm nhà ở diện tích nhỏ. Bên cạnh đó, thủ tục chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, thủ tục chia nhỏ căn hộ… đều gặp nhiều khúc mắc. Tương tự, thủ tục cho vay từ ngân hàng tới người đi vay cũng nhiều điểm nghẽn… Hàng loạt những khúc mắc ở gói 30.000 tỷ nên dẫn đến kết quả không thành công của gói này. Thêm nữa, tôi cảm giác, khi nhà quản lý đưa ra gói 30.000 tỷ đã thiếu sự đôn đốc, giám sát kỹ và kể cả việc điều chỉnh một cách tích cực cho hợp lý. Ngược lại, gói 50.000 này có tính chất xã hội hóa, ngân hàng tự xem xét, đánh giá các dự án có khả thi không, còn DN, họ phải có các dự án tốt đảm bảo tính khả thi thì mới được vay vốn… Theo tôi, gói 50.000 tỷ lần này có nhiều cải tiến trong cơ chế cung ứng vốn sẽ là "liều thuốc” kéo thị trường BĐS thoát khỏi thời kỳ khó khăn.
Trân trọng cảm ơn ông!