Đại biểu Trần Ngọc Vinh, Hải Phòng nói về Luật Đất đai sửa đổi. Dù dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã được trình ra Quốc hội tại 3 kỳ họp thứ 4, thứ 5 và thứ 6 với có 6.958.848 lượt ý kiến góp ý, song lần này điểm quan trọng là thu hồi đất vẫn chưa thỏa mãn trong dự thảo Luật.
Băn khoăn về thu hồi, đền bù
Trước đó phát biểu tại phiên họp UBTVQH về dự thảo luật Đất đai sửa đổi Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc, nguyên Chủ tịch tỉnh Thái Bình đã dẫn vụ nổ súng ở Thái Bình cho thấy tình hình đất đai phức tạp, nhất là thu hồi đất, đền bù.
Vụ nổ súng ở Thái Bình cho thấy đất đai phức tạp
Ông Nguyễn Hạnh Phúc còn dẫn lại một vụ khác: “Bãi bồi mênh mông nước như vậy người dân bỏ biết bao công sức, tiền của để quai đê, lấn biển biến thành nguồn lợi lớn vậy mà khi thu hồi lại bồi thường với giá quá thấp là điều khó chấp nhận. Giá bồi thường phải tính toán xứng đáng với công sức của người dân, không để họ mất hết, dẫn tới việc họ phải dùng hình thức tiêu cực,chống đối".
Theo ông Vinh, “nếu Luật đất đai (sửa đổi) lần này vẫn giữ nguyên quy định các trường hợp thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội quy định tại Điều 62 của dự thảo luật thì vấn đề khiếu kiện về đất đai vẫn là điểm nghẽn chưa có lời giải”.
Ông Vinh đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm thu hồi đất phục vụ mục đích kinh tế - xã hội. Đây là một khái niệm không thật rõ ràng, cần được làm rõ để tránh lợi dụng. Vì vậy, phải phân loại chính xác các loại dự án phát triển kinh tế - xã hội cho các mục đích và lợi ích cụ thể, tách các dự án kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư ra khỏi phạm vi các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong chính sách thu hồi đất này, nhằm tránh lợi dụng và tạo ra các bất bình xã hội.
Có chế tài xử phạt tổ chức, cá nhân thu hồi rồi để đó
Theo đại biểu Vũ Xuân Trường, Nam Định, qua nghiên cứu tại Điều 64 dự thảo quy định về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm Luật đất đai thấy chưa thỏa đáng và có thể thiếu tính khả thi. Đó là các trường hợp nhà nước giao đất cho các chủ đầu tư để thực hiện các dự án đầu tư mà không thực hiện trong 12 tháng liền hoặc sử dụng đất chậm so với tiến độ 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án, kể cả khi đã được gia hạn.
Thực tế trong thời gian qua việc không ít các doanh nghiệp, nhà đầu tư sau khi được giao đất vì các lý do có thể chủ quan và kể cả khách quan mà chậm hoặc không triển khai thực hiện dự án, bỏ đất trống kéo dài, gây lãng phí đất đai, bức xúc trong nhân dân, nhất là những người dân nơi bị thu hồi đất. Chính quyền các cấp có thẩm quyền cũng đã vào cuộc, đã ra các quyết định thu hồi đất theo luật định để giao cho đơn vị khác sử dụng nhưng trên thực tế quyết định thu hồi đất cũng không thực hiện được, vì hai bên không thỏa thuận được việc bồi thường.
Cũng liên quan vấn đề này, đại biểu Vinh kiến nghị: dự thảo luật cần bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm và thẩm quyền thu hồi đất nhằm tránh tình trạng áp dụng một cách tràn lan và quá giới hạn thu hồi đất. Dẫn đến hậu quả như thời gian vừa qua là có rất nhiều khu công nghiệp lấy đất và đền bù với giá rất rẻ cho dân nhưng đến nay phần lớn diện tích đất của các khu công nghiệp chưa có người sử dụng, đất đai bỏ hoang. Mục tiêu tăng cho ngân sách không những không đạt được mà ngân sách phải góp thêm tiền để nuôi bộ máy khu công nghiệp. Trong khi đó người dân bị mất đất không có đất canh tác, một bộ phận không nhỏ rơi vào cảnh đói nghèo.
“Dự thảo luật cần làm rõ hơn thời điểm thu hồi đất diễn ra khi nào, tránh tình trạng cứ quy hoạch là thông báo thu hồi rồi lại để treo lãng phí rất lớn đến nguồn tài nguyên đất”, đại biểu Vinh nhấn mạnh.
Những băn khoăn của đại biểu cũng là sự chờ đợi của người dân mong muốn được thể hiện rõ trong đạo luật này. Theo một chuyên gia về đất đai, nếu tình trạng thu hồi đất không rõ ràng, người dân bị đột nhiên mất đất, thiệt thòi thì rất có thể câu chuyện tương tự như Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình sẽ còn lặp lại.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: