Theo Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM Nguyễn Thanh Nhã trong nhiều thế mạnh nổi trội của thành phố Thủ Đức, phải kể đến việc hệ thống giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ, thuận lợi để kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận, phát triển ngành hậu cần logistics vận chuyển hàng hóa thông qua hàng hải, đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
Hiện tại, Khu công nghệ cao đã thu hút rất nhiều tập đoàn, công ty công nghệ vào đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM tập trung 12 trường đại học, viện nghiên cứu, là nơi thu hút nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao ở cả các tỉnh lân cận. Do đó, tiềm năng tăng giá của bất động sản còn rất lớn.
Ông Nhã cho biết, thành phố Thủ Đức bao gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.000 ha và quy mô dân số 1.013.795 người. 10% diện tích sẽ là công viên, trong đó 30% diện tích công viên là hồ điều hòa để giảm ngập. Đồng thời, bố trí 1.000-1.200ha đất công nghiệp để đảm bảo không gian sản xuất công nghệ cao và nghiên cứu phát triển.
Gia tăng hiệu quả kết nối
Thành phố Thủ Đức là cửa ngõ kết nối vùng và cũng là nơi thu hút mạnh mẽ đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Với thực tế hiện nay, đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước, trong đó, nổi bật là cải cách thủ tục hành chính nhà nước trong quản lý và điều hành là ưu tiên chiến lược trong nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả thu hút đầu tư tại thành phố Thủ Đức trong tương lai.
Bên cạnh đó, việc thay đổi loại hình đơn vị hành chính lãnh thổ cũng tạo ra nhiều thay đổi trong đời sống kinh tế xã hội của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay. Với trình độ phát triển về quản lý hiện nay của thành phố Hồ Chí Minh, với sự thay đổi khá toàn diện về bộ máy khi thành lập thành phố Thủ Đức, TPHCM cần khoảng 6 - 9 tháng để rà soát, cập nhật, hoàn chỉnh những thay đổi về quản lý hành chính trong đời sống của người dân. Đây vừa là áp lực cũng vừa là cơ hội cho công tác cải cách toàn diện về thủ tục hành chính của Thủ Đức trong tương lai.
Để vận hành bộ máy quản lý với số lượng đơn vị trực thuộc lớn (dự kiến có 34 đơn vị), trong tương lai, có thể hình thành thiết chế “tản quyền” linh hoạt để tăng cường hiệu quả tổ chức, vận hành, kiểm tra, giám sát trong quản lý… Các cơ quan chuyên môn trực thuộc chính quyền thành phố Thủ Đức có thể hình thành “cánh tay nối dài” thông qua “thiết chế tản quyền” theo từng khu vực, gia tăng hiệu quả kết nối, giảm đầu mối trực thuộc trong tổ chức thực hiện quản lý. Tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức phải thật sự là bộ máy của chính quyền đô thị theo đúng nghĩa cuả nó.
Kỳ vọng phát triển nhanh để người dân hưởng lợi
Bà Nguyễn Thị Hoa (53 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) bày tỏ rất đồng tình với việc sáp nhập 3 quận để thành lập thành phố Thủ Đức. Lúc trước từ huyện Thủ Đức tách thành 3 quận, thì nay sáp nhập lại nên không có gì mới cả.
“Hi vọng trong thời gian tới sẽ phát triển nhanh hơn nữa để người dân được hưởng lợi”, bà Hoa nói. Tuy nhiên, bà Hoa tỏ ra băn khoăn, nếu có những xáo trộn về mặt hành chính sẽ ảnh hưởng đến đời sống, công việc. Bộ phận hành chính của thành phố Thủ Đức cần giải quyết thuận lợi nhất về mặt giấy tờ, thủ tục cho người dân sau khi sáp nhập các quận.
“Người dân cần làm các thủ tục thay đổi căn cước, hộ khẩu, địa chỉ nhà đất, hồ sơ ngân hàng và các giấy tờ khác…thì cần phải làm thế nào? Ai là người sẽ hướng dẫn người dân thực hiện?”, bà Hoa đặt vấn đề.
DUY QUANG-VĂN MINH-THS PHẠM NHỰT CƯỜNG- TS NGUYỄN THỊ THU HÒA (KHOA CHÍNH TRỊ, HÀNH CHÍNH ĐẠI HỌC)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: