Để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trước thời điểm kết thúc thời hạn giao đất nông nghiệp (cuối năm 2013 - PV), ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) cho biết, cần phải làm ngay một số giải pháp. Cụ thể, các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản... thường trú tại địa phương đang sử dụng đất nông nghiệp do Nhà nước giao trước đây, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được điều chỉnh thời hạn sử dụng đất thêm 20 năm nữa, tức là đến năm 2033. Người dân sẽ không phải làm thủ tục để được tiếp tục sử dụng đất mà áp dụng điều chỉnh thời hạn sử dụng đất trên Giấy chứng nhận (GCN) đã cấp trước đây.
Trường hợp có nhu cầu thế chấp, chuyển nhượng... thì tới văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện để làm thủ tục điều chỉnh thời hạn trên GCN. “Tại sao lại là chu kỳ 20 năm? Hiện nay, chúng ta chưa có sửa đổi gì với Luật Đất đai 2003 nên trước mắt phải thực hiện đúng theo luật này, tức là giao tiếp tới năm 2033... Sau này, nếu có thay đổi gì, chẳng hạn như luật mới cho phép giao 50 năm thì sẽ xử lý tiếp. Đó là chuyện sau này...”, ông Chính nói.
Với những hộ không thuộc diện thường trú tại địa phương và đất sử dụng có nguồn gốc là đất trống, đồi núi trọc, bãi bồi ven sông, biển... đã được các địa phương cho đấu thầu, giao, cho thuê có thời hạn (đến nay đã hết hạn), nếu có nhu cầu sử dụng tiếp thì cũng được gia hạn sử dụng. Khác với hộ trường trú, các hộ này sẽ phải làm thủ tục để được gia hạn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về những trường hợp đã nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp nay có được tiếp tục sử dụng hay Nhà nước sẽ thu hồi để giao cho đối tượng khác, ông Đào Trung Chính nói: “Với đất trồng lúa, chỉ có hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới được nhận chuyển nhượng và được gia hạn sử dụng. Trường hợp đã nhận chuyển nhượng nhưng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, Nhà nước sẽ thu hồi lại. Với những trường hợp thực hiện dồn điền đổi thửa, GCN mới sẽ ghi thời hạn sử dụng đến năm 2033”. “Bộ TN - MT sẽ có thông tư hướng dẫn việc này trước ngày 15-10-2013 (khi hết hạn giao đất 20 năm theo Luật Đất đai 1993 - PV).
Nhiều quan điểm về sở hữu đất đai
Trả lời câu hỏi về những vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm như chế độ sở hữu đất đai, liệu có nới thời hạn giao đất, hạn mức giao đất (hạn điền)... ông Đào Trung Chính nói, đây là những vấn đề rất lớn và cần có sự cho ý kiến từ Ban chấp hành Trung ương Đảng. Ông nói: “Trong quá trình tổng kết Luật Đất đai 2003, có nhiều ý kiến khác nhau về những vấn đề này. Có ý kiến cho rằng cần tiếp tục duy trì sở hữu toàn dân về đất đai. Có ý kiến lại nói nên chuyển thành sở hữu Nhà nước. Thậm chí, có người đề nghị nên đa dạng hóa hình thức sở hữu đất đai, trong đó, có cả sở hữu tư nhân. Mỗi đề xuất đưa ra đều có lập luận riêng để bảo vệ quan điểm của mình...”.
Ông Đào Trung Chính nói thêm: “Tương tự, với việc có chia lại đất nông nghiệp hay không, có người nói không thể chia vì anh đã có đất, bị thu hồi, đã được Nhà nước bồi thường rồi, nay được giao nữa thì không được. Lại có người yêu cầu phải chia lại vì con tôi sinh sau 15-10-1993, suốt từ đó tới giờ, nó lớn lên mà không được giao đất... Về thời gian giao đất và hạn điền, có ý kiến nói nên giữ nguyên, có người đề nghị rằng 20 năm ít quá, không đủ khuyến khích sản xuất, cần phải kéo dài thêm...”. Đại diện Tổng cục Quản lý đất đai “chốt” lại: “Hôm nay, tôi chưa thể trả lời là chúng ta nghiêng theo hướng nào bởi đây là những vấn đề cực kỳ hệ trọng, mang tính cốt lõi của Luật Đất đai. Chúng tôi có trách nhiệm tổng hợp tất cả các ý kiến trái chiều hay khác nhau để báo cáo Chính phủ trước khi Chính phủ lấy ý kiến cơ quan có thẩm quyền về những vấn đề này...”.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: