Cơ hội quý báu
Tại buổi tọa đàm "Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19" diễn ra mới đây, nhìn về cơ hội hậu đại dịch Covid-19, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải cho rằng, đây là thời cơ vàng để ngành xây dựng Việt Nam thay thế Trung Quốc trên thị trường quốc tế.
Theo Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình, tổng giá trị ngành xây dựng Việt Nam có quy mô chưa đến 16 tỷ USD trong năm 2019, trong khi quy mô thị trường xây dựng toàn cầu lên tới 12.000 tỷ USD. Do đó, chỉ cần chiếm được 1% thị trường xây dựng thế giới, quy mô ngành của Việt Nam sẽ tăng giá trị lên tới 120 tỷ USD.
Ông Hải nhận định, đại dịch Covid-19 bùng lên ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu trong năm 2020, buộc doanh nghiệp nhiều nước phải tư duy lại về tình trạng các chuỗi cung ứng phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc.
Việt Nam chọn nhà thầu trong nước để thực hiện dự án cao tốc Bắc-Nam
“Hầu hết quốc gia sử dụng nhà thầu Trung Quốc đều mong muốn tìm kiếm sự thay thế để đem lại hiệu quả cao hơn khi đầu tư và giảm thiểu rủi ro khi bỏ hết trứng vào một giỏ”, ông Hải nhìn nhận.
Ông chủ Tập đoàn Hòa Bình cho rằng, Việt Nam là một sự lựa chọn thay thế có thể nói là tối ưu ở một số loại công trình vì có giá cạnh tranh hơn, chất lượng, tiến độ đảm bảo hơn.
Với 3 lý do gồm năng lực cạnh tranh của ngành xây dựng Việt Nam, nhu cầu thay thế nhà thầu Trung Quốc của nhiều nước và các quốc gia sẽ lấy xây dựng làm đòn bẩy khôi phục kinh tế sau đại dịch, ông Lê Viết Hải khẳng định, đây là cơ hội quý báu của đất nước trên thị trường xây dựng quốc tế. Ông nhấn mạnh cần nắm bắt cơ hội này, nhanh chóng huy động mọi nguồn lực để doanh nghiệp Việt Nam có thể kịp thời thay thế nhà thầu Trung Quốc ở thị trường nước ngoài.
Nguồn lực nói trên gồm các công ty xây dựng tổng hợp và chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ liên quan; các đơn vị tư vấn thiết kế, quản lý dự án; nhà sản xuất vật liệu xây dựng, thiết bị thi công, thiết bị nội ngoại thất; nhà thầu phụ chuyên ngành; các công ty logistics; ngân hàng, quỹ đầu tư.
Theo ông Hải, tất cả đều cần sự nỗ lực, hợp tác rất lớn để phát triển mạnh mẽ khi cùng ra biển rộng. Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, ngành xây dựng Việt Nam sẽ nâng cao năng lực, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp xây dựng khác trên toàn thế giới, đặc biệt là doanh nghiệp xây dựng Trung Quốc.
Sân nhà vẫn còn khó thắng
Giấc mơ nhà thầu Việt Nam "đem chuông đi đánh xứ người", thay thế nhà thầu Trung Quốc trên thị trường quốc tế của ông chủ Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình khiến không ít người hoài nghi.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương từng nhận định, điều quan trọng nhất để doanh nghiệp ra nước ngoài chính là phải có dòng tiền đủ mạnh và vận hành an toàn. Bên cạnh đó là năng lực quản trị, khả năng nắm bắt thị trường của doanh nghiệp. Trong khi đó, quy mô và năng lực tài chính của doanh nghiệp Việt lại quá nhỏ bé.
Một thực tế khác khiến nhiều người cho rằng giấc mơ trên khó trở thành sự thực khi ngay trên sân nhà, nhà thầu Việt đã tỏ ra thất thế trước nhà thầu Trung Quốc. Nhiều nhà thầu Trung Quốc trúng thầu hàng loạt dự án quan trọng của Việt Nam.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên từng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ trong văn bản trả lời cử tri, đó là việc các dự án sử dụng vốn vay của Trung Quốc. Để vay vốn Trung Quốc, Việt Nam phải chấp nhận nhà thầu Trung Quốc thực hiện gói thầu như một điều kiện vay.
Để thực hiện mục tiêu gần hơn là thắng nhà thầu Trung Quốc trên sân nhà, Bộ KH&ĐT cho rằng, Việt Nam cần tự chủ về vốn, tránh việc vay vốn Trung Quốc quá nhiều.
Người có thẩm quyền, chủ đầu tư phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, năng lực trong việc tổ chức lập, phê duyệt dự án, đặc biệt là những dự án/gói thầu phải tổ chức đấu thầu quốc tế, trong đó tổng mức đầu tư của dự án phải phù hợp với công nghệ và xuất xứ của hàng hóa, thiết bị mong muốn.
Theo Bộ KH&ĐT, các chủ đầu tư phải nâng cao năng lực, đạo đức và trách nhiệm khi thực thi nhiệm vụ để bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.
Đặc biệt, phải tuân thủ quy định như: bắt buộc nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu tại Việt Nam phải liên danh hoặc sử dụng thầu phụ Việt Nam; không được sử dụng lao động nước ngoài để thực hiện các công việc mà lao động Việt Nam có thể đảm nhiệm được (trừ những công việc đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao); ưu tiên cho nhà thầu nước ngoài dành nhiều công việc cho nhà thầu Việt Nam; quy định nội dung đánh giá về uy tín của nhà thầu trong việc thực hiện các hợp đồng trước đó.
“Theo đó, trường hợp nhà thầu tham dự thầu đã có lịch sử không hoàn thành hợp đồng do lỗi của mình thì sẽ bị đánh giá là không bảo đảm uy tín và hồ sơ dự thầu của nhà thầu sẽ bị loại”, Bộ KH&ĐT từng gợi ý.
Việt Nam đang thực hiện nhiều bước đi nhằm thúc đẩy ngành xây dựng trong nước đủ sức cạnh tranh và hội nhập. Tiêu biểu là đối với những dự án quy mô lớn như cao tốc Bắc-Nam, Bộ GTVT đã quyết định hủy đấu thầu quốc tế rộng rãi, thực hiện đấu thầu trong nước.
Một con số đáng lưu ý, thống kê của Bộ GTVT cho thấy, đến ngày 15/5/2019, Bộ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển toàn bộ 8 dự án thành phần cho các nhà đầu tư. Sau 2 tháng để chuẩn bị hồ sơ dự sơ tuyển, đến ngày 15/7/2019, có 60 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển. Trong đó, số lượng nhà đầu tư có yếu tố Trung Quốc chiếm một nửa.
Với quyết định của Bộ GTVT, rõ ràng cơ hội được dành cho nhà thầu trong nước. Theo đánh giá của đại diện Bộ GTVT, qua một số dự án cao tốc Bắc Nam đã đấu thầu, các nhà thầu Việt Nam đã trúng thầu đều mạnh, đã có kinh nghiệm thi công dự án lớn.
Một chuyên gia xây dựng chỉ ra rằng, một trong những giải pháp để ngành xây dựng Việt Nam ra được biển lớn là Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng về các thủ tục cấp phép cũng như thủ tục chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài. Ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước thực hiện các dự án đầu tư ở nước ngoài của Nhà nước như trụ sở đại sứ quán, tổng lãnh sự quán. Có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân giao dự án đầu tư ở nước ngoài cho doanh nghiệp xây dựng trong nước. Sớm thành lập Hiệp hội nhà thầu Việt Nam ở hải ngoại để tăng cường mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm. Khuyến khích thành lập Hiệp hội những nhà xuất khẩu các sản phẩm dịch vụ của các chuỗi cung ứng để tăng cường mối quan hệ hợp tác.
Khuyến khích doanh nghiệp xây dựng đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển bằng nhiều hình thức, như cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, áp dụng các chế độ ưu đãi cho ngành xây dựng như các ngành công nghệ cao khác.
Bên cạnh đó, có chính sách phù hợp để tạo thêm động lực cho doanh nghiệp xây dựng Việt Nam phát triển theo hướng chuyên môn hóa cao về từng loại công trình, từng hạng mục công tác để tạo nên những doanh nghiệp xây dựng có đẳng cấp quốc tế trong từng loại công trình, từng hạng mục công tác chuyên môn. Như vậy, chắc chắn nguồn lực chuyên sâu sẽ được tập trung đúng chỗ và năng lực cạnh tranh quốc tế sẽ được nâng lên.
“Chủ doanh nghiệp xây dựng phải có tư duy toàn cầu, phấn đấu tự hoàn thiện doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế, xem việc chiếm lĩnh thị trường thế giới là mục tiêu của mỗi công ty xây dựng”, vị chuyên gia lưu ý.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: