Trong thời gian qua những gì thị trường vốn mang lại vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Thị trường vốn vẫn còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết, hạn chế phần nào khả năng cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Thị trường vốn được coi là “hàn thử biểu” của nền kinh tế. Đây là kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tuy nhiên, thời gian qua những gì thị trường vốn mang lại vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Thị trường vốn vẫn còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết, hạn chế phần nào khả năng cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, với cam kết mở cửa thị trường vốn, điều này sẽ tạo những thách thức không nhỏ tới thị trường vốn non trẻ của Việt Nam. Xoay quanh chủ đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế.
-Theo ông, thị trường vốn Việt Nam đã phát triển như thế nào thời gian qua?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Thị trường vốn Việt Nam đã phát triển nhanh và mạnh trong thời gian qua, đặc biệt là từ mười năm trở lại đây. Tuy nhiên, thị trường vốn Việt Nam vẫn được coi là còn non trẻ. Hiện tại, vốn hóa cho tất cả chứng khoán, cổ phần của doanh nghiệp chỉ khoảng 70 tỷ USD. Con số này so với các thị trường vốn của nước khác còn nhỏ bé. Trong khi đó, cơ cấu thị trường chưa cân đối, dồn chủ yếu vào ngân hàng trong khi các kênh khác như chứng khoán, trái phiếu còn hạn chế.
-Vậy những đóng góp của thị trường vốn tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đã đặt ra là gì thưa ông?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Thị trường vốn đóng góp quan trọng cho quá trình ổn định kinh tế vĩ mô gắn với tăng trưởng. Tình hình kinh tế vĩ mô thời gian qua đã chứng minh điều này. Năm 2015, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,68% và CPI có mức tăng thấp nhất trong 14 năm trở lại đây . Đây là mức rất tích cực cho mục tiêu tăng trưởng và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Trong thành công đó, thị trường vốn cung cấp đáng kể nguồn vốn ngắn, trung và dài hạn cho tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Tuy nhiên, nguồn vốn trong ngắn hạn là thị trường tiền tệ đóng góp chủ yếu, còn thị trường vốn trong trung và dài hạn còn hạn chế, yếu và sơ khai.
-Thưa ông, có ý kiến cho rằng, thị trường vốn Việt Nam thời gian qua bất cân xứng, mặc dù cơ cấu theo kiềng ba chân nhưng hai "chân" chứng khoán và trái phiếu lại khập khiễng, "chân" ngân hàng thì đang bị đè nặng. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế non trẻ nên khả năng tích lũy vốn còn hạn chế. Các nền kinh tế lâu đời như các nước châu Âu có quá trình tích lũy nguồn vốn dồi dào.
Chính vì vậy, tại Việt Nam nguồn vốn chủ yếu có được từ nguồn vốn mà các ngân hàng huy động trong dân. Nguồn vốn này chủ yếu là ngắn hạn, nên các ngân hàng cung cấp nguồn vốn ra cũng chỉ là ngắn hạn. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng thương mại sử dụng 60% vốn ngắn hạn để cho vay cho trung và dài hạn. Như vậy, nguồn vốn ngắn, mà cho vay sử dụng dài hạn sẽ mất cân đối và tạo ra rủi ro thanh khoản rất lớn.
-Việt Nam đang tham gia hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, nhất là việc hình thành Cộng đồng kinh tế AEC vào cuối năm nay; trong đó có cam kết về tự do hóa thị trường vốn. Ông có đánh giá gì về thách thức đối với thị trường vốn Việt Nam, khi thị trường vẫn được coi là còn “non trẻ” so với các nước trong khu vực?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Tiến trình hội nhập kinh tế sẽ đưa Việt Nam vào trạng thái mới; trong đó Việt Nam có thể mời gọi nguồn vốn đầu tư hấp dẫn vào nhất là nguồn vốn trung và dài hạn. Tuy nhiên, Việt Nam cần làm gì để thu hút nguồn vốn lại là câu chuyện đáng bàn. Để thu hút được nguồn vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, một trong những vấn đề chủ yếu là Việt Nam cần phải tăng hệ số tín nhiệm quốc gia. Việt Nam cũng cần cải thiện lại hệ thống tài chính theo hướng tái cơ cấu mà Chính phủ đang thực hiện.
Ngoài ra, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào Việt Nam. Tóm lại, Việt Nam mở cửa với hệ thống tài chính theo các cam kết hội nhập nhưng cơ hội mang lại hay không phụ thuộc vào độ mở của chúng ta và tùy vào sức khỏe tài chính của Việt Nam vì các nhà đầu tư luôn là nhà đầu tư thông minh.
-Theo ông Việt Nam cần có những giải pháp gì để thu hút nguồn vốn từ bên ngoài?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Quá trình hội nhập kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ nhiều hơn, nhưng thông tin về hệ thống tài chính Việt Nam phải thực sự minh bạch. Nếu thị trường tài chính không minh bạch, không được kiểm toán độc lập, các thông tin tài chính ko rõ ràng,..các nhà đầu tư sẽ chần chừ cho việc cung cấp vốn cho thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng thách thức đối với các doanh nghiệp trong nước vì các nhà đầu tư nước ngoài có ưu thế rất lớn trong việc tiếp cận nguồn vốn nhất là vốn trong trung và dài hạn.
-Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất từ 0,25-0,5, theo ông có tác động gì đến triển vọng thị trường vốn tại Việt Nam?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Động thái của Fed có tác động rất lớn lên hệ thống tài chính thế giới và Việt Nam cũng không năm ngoài. Lãi suất tăng, đồng USD tăng giá trị. Với Việt Nam , giá trị USD tăng sẽ tạo mức cầu rất lớn về đồng USD. Theo dự báo của tôi, có thể trong năm tới, mỗi quý Fed sẽ tăng 0,25% và tiến trình đó có thể kéo qua cả năm 2016. Đến cuối năm 2016, lãi suất của USD sẽ khoảng 1,25%-1,5%. Nói như thế để thấy lãi suất của USD sẽ tác động tới Việt Nam cả trong năm 2015 và cả năm 2016.
-Ông đánh giá như thế nào về triển vọng thị trường vốn của Việt Nam trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Với quyết tâm của Chính phủ, sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước trong khắc phục những khiếm khuyết của thị trường sẽ giúp thị trường vốn có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào ý chí của nhà quản lý, thay đổi chính sách, luật lệ phải tích cực. Ngoài ra, tất cả các thành phần kinh tế cũng cần hỗ trợ các cơ quan chức năng để xây dựng hệ thống tiền tệ lành mạnh và thị trường vốn an toàn, hiệu quả hơn.
Xin cảm ơn ông.