Dự báo những tháng cuối năm, sản lượng tiêu thụ thép có phần khả quan hơn. Tuy nhiên theo các chuyên gia, triển vọng thị trường còn phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và các chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ
Khảo sát thị trường những ngày qua cho thấy, do nhu cầu trên thị trường nội địa xuống thấp và không có dấu hiệu cải thiện nên giá bán thực tế của các DN liên tục được điều chỉnh theo xu hướng giảm để đẩy mạnh tiêu thụ.
Nhiều doanh nghiệp thép đã duy trì giá niêm yết tại nguồn không đổi, nhưng cạnh tranh với nhau gay gắt thông qua các biện pháp giảm giá gián tiếp như: Tăng chiết khấu bán hàng, áp dụng chế độ hỗ trợ vận chuyển đến tận chân công trình... Theo chị Oanh - chủ đại lý thép xây dựng tại xã Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội, nhiều ngày qua số lượng đơn hàng xuất thép của đại lý thấp hơn nhiều so với mọi năm, chủ yếu là các đơn hàng nhỏ lẻ, giá trị không lớn. Đại lý đã cho một số công nhân tạm nghỉ việc.
Nguyên nhân của thực trạng này, theo chị Oanh do tháng 7 âm lịch thường mưa nhiều, nên nhu cầu xây dựng giảm, đặc biệt là nhu cầu của thị trường xây dựng dân dụng.
Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, lãi suất ngân hàng cao cộng thêm các chính sách thắt chặt đầu tư công, nhiều doanh nghiệp kinh doanh thép buộc phải co cụm sản xuất, chủ yếu rút về thế thủ để tồn tại là chính.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, hiện phần lớn doanh nghiệp thép trong hiệp hội đang rất khó khăn, có doanh nghiệp phải cắt giảm 50% sản lượng, giá bán nhiều lúc thấp hơn giá thành sản xuất. Tuy nhiên, chưa có doanh nghiệp thép nào bị phá sản. Các doanh nghiệp vẫn cầm cự hy vọng sự phục hồi trong thời gian tới. Nhưng điều đó còn phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách điều hành của Chính phủ.
Trong khi thép trong nước đang “ế”, nhiều doanh nghiệp buộc phải tìm hướng đi cho riêng mình, trong đó xuất khẩu là một lựa chọn. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong năm 2010, sản lượng thép xuất khẩu đạt khoảng 170.000 tấn. Năm 2011, dự báo sản lượng xuất khẩu thép sẽ đạt trên 200.000 tấn. Nhập khẩu thép đã được hạn chế nhiều, chỉ bằng 64% so với năm 2010.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay đối với các doanh nghiệp thép đó là lãi suất ngân hàng quá cao, chất lượng thép nội khó cạnh tranh với thép của các nước. Hiện, thép xuất khẩu mới chỉ cạnh tranh bằng giá thành. Hiện nay, để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng, các nhà phân phối thép buộc phải giảm giá so với giá niêm yết của các nhà sản xuất bình quân từ 1.500 - 2.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, sức tiêu thụ vẫn rất chậm và yếu. Thống kê của Hiệp hội thép VN, sản xuất và tiêu thụ của các thành viên trong hiệp hội quý II/2011 giảm từ 10-14% so với quý I.
Cũng như thép, xi măng cũng đang trong tình trạng ế ẩm. Nhiều đại lý vật liệu xây dựng chỉ bán được bằng 50% so với thời điểm này mọi năm. Anh Đoàn Văn Đà - chủ đại lý xi măng ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội cho biết, lượng hàng bán ra ước giảm 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ khoảng 1 tấn/ngày.
Còn theo anh Lê Văn Trung - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Từ Liêm, năm nay công ty nhận được ít việc hơn mọi năm nên sức tiêu thụ cũng kém hẳn. Nhiều bạn hàng là chủ đại lý xi măng gọi điện liên tục, sẵn sàng cho lấy xi măng trước, thanh toán sau khi hoàn thành công trình mà không phải chịu đồng lãi nào, nhưng công ty cũng đành chịu. Một phần vì ít việc, phần vì không có tiền để nhập.
Theo các chuyên gia trong ngành Xây dựng, đây là năm cực kỳ khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng khi đầu ra bị ảnh hưởng nhiều từ thị trường bất động sản và các chính sách thắt chặt đầu tư công. Không chỉ ở dòng vốn bị ứ đọng bằng hiện vật, mà còn thêm tình trạng lãi suất vay rất cao cũng góp phần không nhỏ làm tình hình trở nên căng thẳng.
Ông Nguyễn Tiến Nghi Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN cho rằng, dù lượng tiêu thụ thép trong tháng 8/2011 đã có dấu hiệu cải thiện, ước đạt 410.000 tấn, tăng khoảng 50.000 tấn so với tháng trước. Và dự báo trong quý IV/2011 sản lượng sẽ tăng .Tuy nhiên đây chưa hẳn là dấu hiệu khả quan, bởi trong khi các công trình xây dựng tiếp tục bị đình hoãn, cắt giảm, dòng tiền vốn và vốn vay của các doanh nghiệp cũng hạn hẹp mà sản lượng thép vẫn tăng. Điều đó chứng tỏ có dấu hiệu thu mua thép của các đại lý để “găm” hàng, chờ tăng giá. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: