Hơn 1 tháng đã trôi qua, hiệu quả từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mang lại chưa rõ rệt, thị trường vẫn chưa được “phá băng”, dù một phần. Người dân vẫn còn gặp rất nhiều “rào cản” để có thể tiếp cận và vay vốn từ gói tín dụng này. Kể từ ngày 1-7, một giải pháp nữa tiếp tục có hiệu lực, nhằm “phá băng” BĐS. Đó chính là việc Bộ Tài chính đồng ý giảm 50% thuế GTGT cho người mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại dưới 70m2.
Theo đó, các hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội sẽ được giảm 5% thuế GTGT. Đối với các hợp đồng bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại đã hoàn thiện dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 cũng được giảm tới 50% thuế GTGT. Đồng thời, cũng từ 1-7, thuế thu nhập DN cũng được giảm từ 25% xuống còn 22%, riêng một số DN vừa và nhỏ sẽ được hưởng thuế suất 20%. Đây được coi là một trong những giải pháp vừa hỗ trợ khách hàng vừa hỗ trợ DN kinh doanh BĐS.
Chị Chi, ở quận Hà Đông, cho rằng, việc giảm thuế trong thời điểm này chỉ là một biện pháp đơn lẻ, mang tính chất hỗ trợ dài hạn chứ không thể đạt hiệu quả ngay lập tức bởi đa phần tiền thuế chỉ đóng vai trò nhỏ trong giá trị căn hộ. Hơn nữa, cũng cần làm rõ thời điểm giảm thuế (ngày 1-7) là tính cho các căn hộ mua từ khi đó trở đi, hay là kể cả căn hộ khách hàng đã mua trước đó. Họ có được giảm không, mà nếu được giảm thì những người đã đặt tiền mua và đang chờ nhận nhà sẽ được giải quyết ra sao, mức thuế sẽ được giảm trừ theo tỷ lệ hay như thế nào. Những điều này vẫn chưa được làm rõ.
Đồng quan điểm, anh Dũng, một người kinh doanh BĐS, cho biết, so với trước đây thì giá bán BĐS đã giảm khá sâu, có những dự án đã giảm đến 30– 40%. Nhưng thị trường lại vẫn gặp khó khăn trong việc giải quyết đầu ra. Một phần nguyên nhân chủ yếu rơi vào tâm lý của khách hàng, phần còn lại là do các dự án còn dang dở, chủ đầu tư đang khó khăn về tài chính. Hiện tại, một số DN còn đang nợ thuế Nhà nước. Cho nên, việc giảm thuế chỉ san sẻ một phần khó khăn chứ không phải giải pháp hữu hiệu trong thời điểm này.
Có thể thấy, mục tiêu của Chính phủ chỉ có thể đạt được khi tất cả các giải pháp được thực hiện đồng thời. Giá bán hay thuế dù có được giảm nhưng người dân không còn niềm tin thì khó có thể được khơi thông. Cho nên, bản thân các DN kinh doanh BĐS phải là người đầu tiên có những động thái tạo dựng lại sự tin tưởng của người dân vào DN và các dự án, tránh việc “đầu voi đuôi chuột”, thông tin thì mập mờ và không rõ ràng. Từ đó mới kỳ vọng vào những tác động tích cực từ các giải pháp của Chính phủ trong việc tháo gỡ thị trường BĐS.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: