Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh, tình hình diễn biến những năm qua cho thấy thị trường BĐS phát triển tự phát, lệch pha, có yếu tố đầu cơ, không minh bạch, không ổn định và thiếu tính bền vững. Mặt tích cực là giá cả BĐS đang quay trở về giá trị thực của nó. Tuy nhiên thị trường trầm lắng khiến các DN kinh doanh BĐS gặp rất nhiều khó khăn.
Ảnh minh họa
Ông Châu cho rằng, tồn kho BĐS quá lớn trong thời gian vừa qua khiến các DN khó có khả năng vực dậy trong thời gian tới. Theo thống kê thị trường BĐS Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang tồn kho khoảng hơn 70.000 căn hộ. Tính đến thời điểm cuối quý III/2012, tổng số căn hộ để bán chào mới ra thị trường sơ cấp tại thị trường Hà Nội khoảng 111.500 căn, tại TP. Hồ Chí Minh khoảng 95.000 căn. Tuy nhiên sự hấp thụ của thị trường từ quý IV/2011 đến nay là rất yếu, cho cả hai thị trường khoảng 5-7% tổng nguồn cung.
Nợ xấu đang rất cao cản trở việc tiếp cận nguồn tín dụng mới, DN BĐS cũng như sản xuất liên quan không có nguồn vốn mới để tái cơ cấu, tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh. Từ nhiều năm nay, thị trường BĐS sử dụng nguồn vốn từ vốn chủ sở hữu, vốn huy động của khách hàng và đặc biệt tỷ trọng lớn phụ thuộc vào tín dụng từ ngân hàng. Theo NHNN Việt Nam, đến 30/4/2012, tổng tín dụng cho vay các ngân hàng là 2,617 triệu tỷ đồng, trong đó 14,74% là cho vay xây dựng và BĐS.
Sự trầm lắng của thị trường BĐS kéo theo sụt giảm điểm nhóm BĐS niêm yết. Theo thống kê về các DN niêm yết, trong tháng 8/2012, tại sàn HSX, nhóm ngành BĐS đứng thứ 4 về sụt giảm điểm, mức -9,2% so tháng 7, với 5 mã cổ phiếu (CP) trong 10 mã CP giảm mạnh nhất; Tương tự tại sàn HNX, nhóm BĐS đứng thứ 3 về sụt giảm, mức -13,1%, với 8 mã CP thuộc nhóm 10 mã CP giảm mạnh nhất trong tháng. Hiệu quả kinh doanh nhóm BĐS niêm yết cũng thấp. Xét trong nhóm 12 DN BĐS niêm yết có kết quả kinh doanh tốt trong quý IV/2011, thì tại thời điểm quý II/2012, hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) sụt giảm từ 25,2% về 7,93%.
Ông Bùi Tất Thắng – Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển dự đoán thị trường BĐS trong năm 2013 sẽ không “sáng sủa” lắm. Tuy nhiên ông cho rằng không hoàn toàn bi quan bởi với nguồn lực sẵn có hiện nay cùng với những chính sách tốt sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển trở lại. Điều đó kéo theo thị trường BĐS cũng sẽ được hồi phục.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Tổng giám đốc Công ty CPĐT Dầu khí Toàn Cầu cho rằng, BĐS muốn đầu tư được thì trong cơ thể phải có dòng máu để nuôi. Dòng máu ở đây chính là ngân hàng. Trước khi nói thị trường BĐS phục hồi thì phải trông chờ tái cấu trúc xong hệ thống ngân hàng. Ví dụ công ty đang có nhiều dự án có vị trí đẹp trong nội đô Hà Nội nhưng chủ trương của công ty là chờ đợi xem đến tháng 7,8/2013 nếu thị trường ấm trở lại và hệ thống ngân hàng ổn định mới khởi động đầu tư. Bản thân công ty không hy vọng trong năm 2013 thị trường BĐS sớm có phục hồi. Theo đó, nếu cuối năm 2013 với những chính sách hợp lý, nền kinh tế phát triển thì thị trường BĐS may ra mới có thể phục hồi. Các DN BĐS hiện nay đang trong giai đoạn cầm cự và cố gắng tự nuôi sống mình bằng nhiều cách khác nhau.
Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phải đồng thời thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam thì trước hết phải kích thích và tăng trưởng đầu tư công, đặc biệt đầu tư hạ tầng cơ sở. Đây là nền tảng để cải thiện “niềm tin” mọi đối tượng vào thị trường, thông qua việc thanh quyết toán các công trình hạ tầng cơ sở đang dở dang, đồng thời triển khai các dự án mới khi thu xếp được nguồn vốn; Cần phải có các công cụ hiệu quả cấp bách xử lý nợ xấu ngân hàng - giải thoát cho các DN và ngân hàng. Đồng thời thúc đẩy nguồn “cầu” thị trường thông qua đưa các mô hình quỹ hỗ trợ nguồn cầu vào thí điểm.
Ông Trần Văn Tần, Trưởng phòng Tín dụng, Vụ Tín dụng (NHNN) cho rằng, sự phục hồi và phát triển ổn định của thị trường BĐS sẽ tạo ra sự lan toả và có tác động tích cực đến nền kinh tế. Vì vậy, trong năm 2013 và những năm tiếp theo để giúp thị trường “ấm“ lên cần phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ngành Ngân hàng đóng vai trò quan trọng như việc giải quyết bài toán kỳ hạn của “luồng“ vốn đầu tư cho BĐS; Thực hiện kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn vay của các dự án thông qua việc cung cấp cho thị trường các sản phẩm tín dụng tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa nhà đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu và người mua nhà, như sản phẩm liên kết bốn nhà (nhà đầu tư - nhà thầu - nhà cung cấp vật liệu và ngân hàng) mà Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã đưa ra trong năm 2012; Yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng phương án xử lý nợ xấu đối với các DN BĐS...
Đồng thời, các DN BĐS phải linh hoạt, chủ động tìm các giải pháp để giải quyết những khó khăn, tạo thanh khoản cho thị trường, như giảm giá bán, tăng cường tiếp thị và tạo thêm các tiện ích hấp dẫn người mua...
"Cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều không tự tin khi đầu tư vào thị trường, các vấn đề từ giá đất thiếu hợp lý đến vấn đề tham nhũng khiến các giao dịch thực chất gặp nhiều khó khăn... Vì vậy chúng ta cần phải suy nghĩ lại". Ông Leon Cheneval - Giám đốc điều hành Cushman&Wakefield |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: