Dự án sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính khoảng 182.000 tấn/năm; giảm lượng nước thải 6 triệu m3/năm, chất lượng nước thải đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Dự án có tổng kinh phí gần 53,23 triệu USD, trong đó, vốn ODA không hoàn lại từ Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và UNIDO là 4,55 triệu USD; vốn đối ứng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 108 nghìn USD; vốn đồng tài trợ bằng hiện vật của các cơ quan phối hợp thực hiện từ phía Việt Nam và UNIDO xấp xỉ 38,8 triệu USD; vốn đồng tài trợ tiềm năng bằng tiền mặt và tín dụng ưu đãi cho các hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp là 9,77 triệu USD từ Quỹ Tín dụng Xanh (GTCF) của SECO, Quỹ Môi trường Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Vốn đồng tài trợ từ các cơ quan liên quan được đóng góp thông qua các chương trình, dự án đang thực hiện tại Việt Nam và không cung cấp trực tiếp cho dự án.
Với 6 hợp phần chính, dự án tập trung tăng cường năng lực về lập quy hoạch và quản lý khu công nghiệp (KCN) sinh thái cho các cơ quan quản lý KCN, nâng cao trình độ kỹ thuật về chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ sạch và phát thải ít cácbon, phương thức sản xuất an toàn và sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Dự án xác định ít nhất 45 doanh nghiệp tiềm năng trong KCN tại Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ có thể tham gia ứng dụng công nghệ sạch và sử dụng hiệu quả tài nguyên; triển khai thí điểm các dự án chuyển đổi thành KCN sinh thái; nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển KCN sinh thái.
Dự án được thực hiện trong 36 tháng tại Hà Nội, Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ. Các doanh nghiệp tham gia dự án tại các KCN: Khánh Phú (Ninh Bình), Hòa Khánh (Đà Nẵng), Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ) sẽ được tham gia đào tạo về sản xuất sạch hơn, được hỗ trợ tư vấn đổi mới công nghệ để sử dụng tiết kiệm năng lượng và giảm chất thải ra môi trường theo quy trình toàn diện gồm: Lập hồ sơ vay vốn, khả năng được hỗ trợ vay với lãi suất ưu đãi và được hoàn trả một phần khoản vay từ Quỹ Tín dụng Xanh của SECO.
Thời gian qua, hệ thống các KCN đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Việc phát triển các KCN với tốc độ nhanh đã gây ra những thách thức với môi trường, đòi hỏi xây dựng mô hình phát triển bền vững hơn, thân thiện với môi trường sinh thái và cộng đồng xung quanh.
Trong nỗ lực chuyển đổi các KCN hiện tại thành các KCN sinh thái nhằm cụ thể hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, ngày 28/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án "Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam" tại Quyết định số 1526/QĐ-TTg với mục tiêu tăng cường chuyển giao, ứng dụng và phổ biến công nghệ và phương thức sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nước và quản lý tốt hóa chất tại các khu công nghiệp Việt Nam.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: