Và, thực tế, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý nhiều khi như bị sa vào “ma trận” đề xuất, kiến nghị!
Song, có một thực tế đã diễn ra cũng từ lâu mà ít người nhắc đến: Ngành thép đang chịu cảnh nhập siêu “khủng” đến mức khó tin.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2013, Việt Nam nhập khẩu 8.700.966 tấn sắt thép các loại, trị giá hơn 6.148 triệu USD, chưa kể sản phẩm từ sắt thép (2.615 triệu USD), kim loại thường khác (2.644 triệu USD), sản phẩm từ kim loại thường khác (492,9 triệu USD). Trong đó, lượng sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm hơn 1/3 cả về lượng và giá trị. Rất lạ, một nước sản xuất thép nội địa dư thừa mà vẫn nhập khẩu tới hơn 3.000.000 tấn phế liệu sắt thép, trị giá gần 1,2 tỷ USD.
Tất cả cho vào “một giỏ”, tổng số ngoại tệ bỏ ra để nhập khẩu từ phôi thép đến sắt thép “đồng nát” tới hơn 13 tỷ USD.
Trong khi đó, dù gắng hết sức, các doanh nghiệp (DN) thép chỉ xuất khẩu được 2.025.655 tấn sắt thép các loại, trị giá 1.633 triệu USD và 1.407 triệu USD sản phẩm từ sắt thép, 570,5 triệu USD kim loại thường khác và sản phẩm, tất tần tật chỉ được hơn 3,6 tỷ USD.
Để dẫn đến tình trạng nhập siêu sắt thép có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất nằm ở hai chữ: Quy hoạch.
Theo thống kê, ngành thép hiện có khoảng 400 DN sản xuất thép các loại, trong đó có khoảng 120 DN chuyên sản xuất thép xây dựng, nhưng chỉ có 26 DN nằm trong diện quy hoạch. Đáng chú ý, đa số DN sản xuất thép đều sử dụng công nghệ lạc hậu nhập khẩu, tốn kém, lãng phí, đồng thời sản phẩm chỉ ở đẳng cấp... trung bình. Đây chính là hậu quả của đầu tư sản xuất thép theo phong trào của các địa phương, “nhà nhà làm thép... tầm tầm bậc thấp”! Với tình trạng đó, dòng thép ngoại đa dạng, chất lượng cao tràn vào “nhấn chìm” thép nội là chuyện tất yếu.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2013, các DN thuộc VSA sản xuất gần 5 triệu tấn thép và tiêu thụ hơn 4,6 triệu tấn. Năm 2014, khả năng tiêu thụ thép sẽ không đột biến, chỉ “xêm xêm” năm 2013. DN thép Việt chưa thoát khỏi “tầng” thấp.
Các DN thép Việt đang trông ngóng TPP được ký kết để tăng xuất khẩu thép chất lượng trung bình vào những thị trường dễ tính. Nhưng, không tự vươn lên đẳng cấp cao hơn, chỉ trông chờ vào sự “dễ dãi”, liệu có vững chân?
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: