Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam
Ông Hùng cho biết, đất đô thị trong các khu nội đô cũ đang sử dụng tùy tiện, nhiều trường hợp “chạy” theo lợi nhuận, phục vụ cho lợi ích chủ đầu tư và người liên quan. Nhiều nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm công sở phải di dời ra khỏi nội đô đã biến thành các dự án siêu lợi nhuận trong khi thiếu đất làm hồ điều hòa, cây xanh, trường học… làm tăng mật độ dân số, trái chủ trương giảm mật độ dân số trong nội đô.
Nguyên nhân của những tồn tại đó, theo ông Hùng thứ nhất là do công tác quản lý sau quy hoạch chung được duyệt đang thực hiện chậm, không đồng bộ. Tỷ lệ quy hoạch chi tiết đạt thấp (35%) dẫn đến cơ chế xin cho tùy tiện trong cấp phép và quy hoạch luôn bị điều chỉnh. Việc cấp phép các dự án tràn lan, sử dụng đất đô thị cho các dự án nhà ở không phù hợp với khả năng kinh tế xã hội và dự báo phát triển dân số. Quản lý sử dụng đất đô thị nhiều bất cập khi công trình không phép, trái phép diễn ra phổ biến, trên diện rộng….
Ông Hùng thừa nhận, đất đai có giá trị vô cùng to lớn, việc quyết định sử dụng đất làm dự án trong thời gian qua đã nảy sinh tình trạng tham ô tham nhũng thông qua việc đầu tư xây dựng.
Tại khoản 3 cho phép HĐND, UBND tỉnh được thu hồi đất dẫn đến tình trạng xin cho dự án dẫn đến các dự án nhà máy, trường học sau khi di dời định giá thấp, trong khi doanh nghiệp bán ra thị trường với giá cao. Do vậy, ông Hùng kiến nghị nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp cần thiết.
Thứ hai, bồi thường đất đai khi thu hồi đất. Đối với dự án phát triển kinh tế, tại những nơi thị trường có đầy đủ nhà ở thương mại thì đền bù bằng tiền cho người dân tự chọn, không đền bù bằng nhà tái định cư. Đồng thời cần ban hành cơ chế chính sách bắt buộc phải đấu giá các khu đất BT, và trên thực tế ông Hùng cho biết nhiều địa phương đã làm rất tốt điều này.
Đối với công tác an sinh, ông Hùng cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành nhà ở cho thuê, nhà ở thương mại giá rẻ.
Đối với công tác cải tạo chung cư cũ ông Hùng bày tỏ lo ngại hàng nghìn chung cư cũ có niên hạn sử dụng từ 50 – 60 năm đang xuống cấp nghiêm trọng trong khi tiến độ cải tạo cực chậm, hiện nay mới cải tạo được dưới 3% trong hơn chục năm qua.
"Để công tác cải tạo chung cư cũ có hiệu quả hơn, Chính phủ cần đổi mới cơ chế chính sách với những giải pháp quyết liệt và đồng bộ cần đưa vào Luật Nhà ở. Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo trong thực hiện cải tạo chung cư cũ bằng cách phải có cơ chế dành quỹ đất, kêu gọi các chủ đầu tư" - ông Hùng nêu kiến nghị.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: