Sau khi nhận được đơn thư của các hộ dân sống tại các khu B3, B4, B5 trình bày việc họ vốn là cán bộ, công nhân viên của Nhà máy Cơ khí Giải Phóng và Viện Khoa học Nông nghiệp, năm 1979, họ được cấp nhà và sinh sống ổn định cho đến nay. Khi đó, mỗi gia đình chỉ có hai vợ chồng, được cấp căn hộ có diện tích 34m2, trong đó có 24m2 để ở, còn lại 10m2 để xây dựng công trình phụ. Hơn 30 năm nay, dân số của khu tập thể liên tục tăng, có nhà có tới 3 cặp vợ chồng với 3 thế hệ cùng sinh sống nên gặp rất nhiều khó khăn.
Để cải thiện cuộc sống, các hộ dân trong khu tập thể đã tôn tạo, san lấp mặt bằng tại các khu liền kề để chăn nuôi, tăng gia sản xuất. Sau đó, do hoàn cảnh sống chật chội, các hộ đều tận dụng làm nhà cấp 4 ở tạm. Ngày 4/7/1986, một số hộ dân đã bị Đoàn kiểm tra về xây dựng công trình và sử dụng đất của UBND huyện Thanh Trì đến kiểm tra, lập biên bản vi phạm, nêu rõ: "Gia đình có cải tạo các hố vôi để sử dụng, xây dựng nhà cấp 4, dạng chuồng lợn có lợp mái tôn…", với vi phạm trên, các hộ đều bị phạt bằng tiền mà không đưa ra biện pháp xử lý. Đến nay, họ vẫn sinh sống ổn định trên các thửa đất đó.
Gần đây, mặc dù chưa được TP. Hà Nội ra quyết định thu hồi đất nhưng UBND xã Thanh Liệt và Công ty TNHH Nhật Việt mô tô, với tư cách là chủ đầu tư dự án liên tục ra thông báo thúc ép các hộ dân kê khai đất và tài sản trên đất để giải quyết việc đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng (GPMB).
Ông Trần Khắc Đàm, Quản trị trưởng khu tập thể Công ty Cơ khí Giải Phóng cho biết: "Chúng tôi vô cùng bức xúc trước việc ra thông báo thu hồi đất của UBND xã Thanh Liệt. Sau khi tổ chức họp dân, UBND xã có phát tờ khai yêu cầu chúng tôi kê khai đất theo Nghị định 64/NĐ-CP là đất nông nghiệp được UBND xã tạm chia sử dụng. Thế nhưng, đất này là do chúng tôi khai hoang từ những năm 1979 đến nay, không phải được chia sử dụng. Nếu muốn thu hồi thì phải cho chúng tôi thỏa thuận với chủ đầu tư và có phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư hợp lý".
Người dân phản ánh, trong đơn đề nghị xin cấp đất làm dự án, Công ty TNHH Nhật Việt mô tô chỉ xin khoảng 5.000m2 tại khu đất nông nghiệp liền kề trước mặt, nhưng sau đó công ty này đã làm công văn xin cấp thêm 924m2 đất, được Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố chấp thuận. Vấn đề là phần diện tích xin thêm này lại chiếm vào khu vực nhà cửa của các hộ dân, khiến họ có nguy cơ mất nơi ở.
Bà Đỗ Thị Lan, Quản trị trưởng khu tập thể Viện Khoa học Nông nghiệp cho biết: "Những bất cập trên đã được nhân dân kịp thời phát hiện, kiến nghị lên UBND xã Thanh Liệt và UBND huyện Thanh Trì, thế nhưng chúng tôi không được chấp nhận đơn, lên huyện thì bảo gửi về xã, xã lại bảo không nhận vì nhiều lý do, trong khi họ luôn ép chúng tôi phải kê khai đất để GPMB. Thậm chí, chúng tôi còn được xã thông báo trong cuộc họp là sẽ thu "trắng" lại vì đó là đất do chúng tôi lấn chiếm".
Được biết, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt và giao UBND huyện Thanh Trì tổ chức mời thầu dự án "Trụ sở giao dịch giới thiệu sản phẩm ô tô" thế nhưng Công ty TNHH Nhật Việt mô tô đã vẽ ra "Phương án thiết kế kiến trúc sơ bộ gồm: công trình nhà hành chính 5 tầng, với tổng diện tích sàn 8.050m2; công trình nhà ăn ca 3 tầng, tổng diện tích 1.180m2; công trình nhà nghỉ cán bộ công nhân viên 4 tầng, tổng diện tích sàn 1.060m2... Dư luận đặt ra câu hỏi, liệu đây có thực sự là "trụ sở trưng bày và giới thiệu sản phẩm ô tô"?
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hừng, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Việt mô tô cho biết: "Hiện chúng tôi đang rất cần mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong việc thực hiện dự án trên, chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Ban bồi thường, GPMB huyện Thanh Trì duyệt phương án đền bù bao nhiêu, Công ty sẽ chấp hành, triển khai như vậy".
Đây là dự án lớn, mong rằng các cơ quan chức năng TP. Hà Nội cần tăng cường kiểm tra, có phương án xử lý đền bù thỏa đáng nhằm giúp bà con ổn định cuộc sống.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: