Theo nhận định của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sau nhiều tháng trầm lắng từ đầu năm đến nay, thị trường thép có thể sẽ khởi động tốt hơn từ tháng 9 cho đến quý IV. Khi đó, thị trường thép sôi động trở lại, sức tiêu thụ mạnh, giá bán sẽ được điều chỉnh lên một chút.
Đồng quan điểm này, Bộ Công Thương cũng nhận định, tiêu thụ thép xây dựng trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng dần lên khi Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường thực sự phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, theo VSA, vấn đề cần nhất của ngành thép hiện nay là tháo gỡ đầu ra, khơi thông thị trường tiêu thụ. Nếu nhà nước không mở ra các công trình xây dựng thì thép xây dựng sẽ vô cùng khó khăn.
Thép tồn kho lớn một phần cũng do cung vượt quá xa so với cầu. (Ảnh: TK)
Theo Chủ tịch VSA Phạm Chí Cường, ngoài tác động từ việc thị trường bất động sản “bất động” thì vấn đề của thị trường thép hiện nay là thép xây dựng nguồn cung quá nhiều so với nhu cầu thực tế. Tổng năng lực sản xuất thép hiện đã vượt trên 12 triệu tấn, trong khi tiêu thụ trong nửa đầu năm 2012 lại chưa đến 5 triệu tấn. Chưa kể, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm 4 công ty sản xuất thép xây dựng đi vào sản xuất nên sức ép cung vượt cầu của ngành này vẫn ngày càng gia tăng. Với công suất gấp hơn hai lần tiêu thụ như hiện nay, thì một nửa số nhà máy phải cắt giảm công suất, thậm chí có 5 - 6 nhà máy không có sản phẩm, không hoạt động trong nhiều tháng. Điều đáng lo ngại hơn là thép tồn đọng trên 350.000 tấn, trong khi lãi vay ngân hàng vẫn cao như hiện nay, cộng với chi phí lưu kho, bến bãi cũng có xu hướng gia tăng thì mỗi tháng doanh nghiệp phải trả cho lượng hàng tồn là rất lớn. Trong khi đó, mặc dù có những yếu tố tăng cao như giá dầu, giá điện... song các doanh nghiệp không thể tăng giá được vì sợ mất thị phần. Nhiều doanh nghiệp chịu lỗ, buộc giữ giá, thậm chí là tăng chiết khấu cao hơn để bán được hàng, quay vòng đồng vốn. Do đó, từ đầu năm đến nay giá bán thép xây dựng trên thực tế của một số nhà sản xuất được điều chỉnh tăng, giảm dựa vào sức mua của thị trường. So với tháng trước, hiện giá bán thép tại nhà máy chưa tính thuế VAT của các đơn vị đã giảm từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng/tấn, tùy theo vùng miền, dao động ở mức từ 14,7 triệu đến 15,5 triệu đồng/tấn; giá bán lẻ thép ngoài thị trường dao động từ 17 đến 18 triệu đồng/tấn.
Để giải quyết khó khăn về sản phẩm đầu ra hiện nay, Chủ tịch VSA Phạm Chí Cường khẳng định, ngoài những nỗ lực của các doanh nghiệp thì điều quan trọng nhất vẫn là giải quyết vấn đề vĩ mô, đó là các công trình đầu tư công có tiếp tục được mở ra hay không để duy trì tốc độ tăng trưởng hay vẫn tiếp tục giữ mục tiêu giảm lạm phát không tính đến chuyện tăng trưởng, đầu tư công. Chỉ khi các nhà sản xuất tiếp tục mở rộng nhà máy, mở rộng sản xuất thì khi đó thép mới tiêu thụ được, còn nếu cứ thắt chặt như hiện nay thì ngành thép tiếp tục khó khăn.
Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp tiết giảm sản xuất, tìm kiếm thị trường, các doanh nghiệp và VSA kiến nghị Chính phủ cần xem xét cho giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% để khuyến khích tiêu dùng, mở cửa cho thị trường thép. Đồng thời, hiệp hội này cũng đề xuất Chính phủ cần tạo điều kiện cho ngành thép xuất khẩu để tránh áp lực hàng tồn kho hiện nay.
Nhận định về thị trường thép những tháng cuối năm, ông Cường cho biết, với những chính sách điều hành của nhà nước đã và đang điều chỉnh, đặc biệt là chính sách tiền tệ đang thực thi có hiệu quả thì đến cuối quý III/2012, sang đầu quý IV sức tiêu thụ thép sẽ tăng lên. Đây cũng là thời điểm vào mùa xây dựng, các nhà quản lý, các doanh nghiệp và các công trình dân dụng dồn sức vào kế hoạch hoàn thành công trình cuối năm, khi đó ngành thép sẽ có chuyển biến và dễ thở hơn.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: