Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng tại phường Hiệp Bình Phước (Thủ Đức, TPHCM). Ảnh VGP/Phan Hoàng
Thời gian gần đây, trên địa bàn TPHCM thường xuyên xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông, tập trung nhiều ở đoạn sông Sài Gòn từ phường Hiệp Bình Phước đến Nhà Bè, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của người dân.
Đến nay, người dân sinh sống quanh khu vực Khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) vẫn chưa quên vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng vừa xảy ra đầu tháng 7/2015. Theo đó, một đoạn bờ sông Sài Gòn có diện tích khoảng 2000m2 đã bất ngờ sụt lở trong đêm, khiến nhiều căn nhà cùng tài sản khác bị cuốn trôi sông. Vụ việc cũng làm hư hỏng gần 100m đường nhựa và nhiều công trình trụ điện trong khu vực.
Chỉ tay ra khu vực lòng sông cách bờ khoảng 10m, anh Nguyễn Kim Trung - một người dân phường Hiệp Bình Phước cho biết trước đây đó là khu đất anh thường sử dụng để sản xuất. Từ trước đến nay, khu vực này hiếm khi xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Vụ việc vừa qua có thể do một hộ dân xây cất nhà trên nền đất yếu gần bờ sông mới dẫn đến sự cố đáng tiếc.
Anh Trung cũng cho hay, hiện người dân Hiệp Bình Phước rất hoang mang do sợ sạt lở ập đến bất chợt. Từ khi vụ việc xảy ra, gia đình anh lúc nào cũng nơm nớp. Dù biết đang sống trên khu vực đất bờ sông nguy hiểm nhưng do không có điều kiện dời đi nơi khác nên anh và gia đình vẫn phải cố gắng bám trụ, khắc phục tạm bằng cách mua lưới chắn thêm bên ngoài bờ sông để giữ cát, chống lún đến đâu hay đến đó.
Trao đổi về vụ việc nêu trên, ông Nguyễn Nam Hải - Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức cho biết, khu vực quận Thủ Đức với hai khu dân cư tập trung nằm trong khu vực báo động, có nguy cơ sạt lở cao. Điều này một phần là do tuyến bờ bao sông Sài Gòn trên địa bàn quận Thủ Đức đến nay chưa được đầu tư đồng bộ.
Thực tế từ trước khi xảy ra sự cố, cơ quan chức năng quận Thủ Đức đã tính đến việc di dời các hộ gia đình sinh sống trong khu vực nguy hiểm nhưng phương án này gặp nhiều khó khăn. Tại các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã cho cắm biển cảnh báo người dân và phương tiện qua lại.
Về biện pháp chống sạt lở trong thời gian tới, trường hợp chưa thể di dời người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, UBND quận Thủ Đức sẽ tiếp tục kiến nghị UBND Thành phố thông qua phương án xây bờ kè để giữ đất, đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống trên địa bàn, ông Hải cho hay.
Tại TPHCM, nỗi lo sạt lở bờ sông không phải của riêng người dân Hiệp Bình Phước. Theo Khu quản lý đường thủy nội địa TPHCM, từ tháng 5 đến nay, trên địa bàn Thành phố phát sinh thêm 8 điểm sạt lở bờ sông mới, nâng tổng số điểm sạt lở lên 45 diểm. Trong đó, huyện Củ Chi có 4 điểm mới; quận 2, Thủ Đức, huyện Cần Giờ, Nhà Bè mỗi nơi phát sinh 1 điểm.
Điển hình là tại khu vực Cù Lao Dừa thuộc địa bàn phường Long Trường (quận 9), chỉ trong vòng hơn một tháng vừa qua, hàng chục m2 đất đã bị nhấn chìm xuống sông, nước ăn sâu vào Cù Lao Dừa từ 2-5m và kéo dài hàng chục mét. Còn tại khu vực sông Mương Chuối, đoạn qua xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè), dài khoảng 600m nước xoáy sâu vào bờ tạo những hàm ếch, nhiều điểm bị sạt lở nước ăn sâu vào đất liền 5-7m.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở gia tăng, theo PGS. TS Đậu Văn Ngọ - Giảng viên Trường Đại học Quốc gia TPHCM, sông Sài Gòn có đặc điểm thân sông quanh co uốn khúc, vực sâu nằm sát bờ lõm, bờ cát nằm sát bờ lồi, đoạn uốn cong và đoạn quá độ nằm xen kẽ nối tiếp nhau, mặt cắt đoạn uốn cong vừa hẹp vừa sâu, có hình tam giác không đối xứng, các trị số dòng chảy về mùa mưa lũ đều lớn hơn trị số giới hạn xâm thực của đất đá cấu tạo bờ sông, do đó dẫn đến phát sinh hiện tượng sạt lở.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân là do tập quán của người dân khai thác mặt tiền sông, kênh rạch, xây cất nhà cửa để phục vụ lợi ích kinh tế. Các hoạt động như san lấp, xây dựng nhà cửa, công trình trái phép cùng quá trình khai thác cát bừa bãi đã làm mất đi sự ổn định vốn có của bờ sông Sài Gòn, tác động đến dòng chảy của con sông, dẫn đến tình trạng sạt lở.
Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, trước tình trạng sạt lở gia tăng, cơ quan chức năng Thành phố đã đề ra 28 dự án chống sạt lở cho toàn khu vực. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện các dự án này đang gặp nhiều khó khăn. Trong số dự án nêu trên, mới chỉ có 10 dự án đang trong quá trình thi công còn lại 4 dự án chuẩn bị thực hiện và 14 dự án chuẩn bị đầu tư. Trong số các dự án đang thi công, cũng mới hoàn thành 1 dự án là khu đê bao bờ hữu sông Sài Gòn tại phường An Phú Đông, quận 12.
Về nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án chống sạt lở chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng chậm. Một số dự án chống sạt lở sông rạch đã được triển khai thi công cách đây hơn 2 năm nhưng chưa hoàn thành vì vướng giải tỏa mặt bằng. Ngoài ra, nhiều địa phương còn chậm bàn giao các công trình thủy lợi sau khi hoàn thành cho đơn vị chuyên ngành quản lý, vận hành nên một số công trình chưa phát huy hết hiệu quả, mau xuống cấp…
Theo ông Lê Hoàng Minh, để giải quyết tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng, Sở GTVT TPHCM sẽ tập trung phối hợp với UBND các quận huyện đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng để thi công các công trình chống sạt lở trọng điểm. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng khai thác cát trái phép, xây dựng lấn chiếm bờ sông.
Riêng đối với các vị trí sạt lở nghiêm trọng tại quận Thủ Đức, Sở GTVT sẽ kiến nghị Thành phố xem xét chủ trương xây dựng công trình kè chống sạt lở bằng cừ bê tông dự ứng lực (thuộc Dự án bờ tả sông Sài Gòn) với tổng mức đầu tư là 203 tỷ đồng. Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn lực để khẩn trương triển khai công trình xây dựng bờ kè tại khúc sông vừa xảy ra sạt lở với tổng chiều dài 200m.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: