Quốc hội vừa thông qua các nghị quyết về cơ cấu lại nền kinh tế, về tài chính giai đoạn 2016-2020. Trong đó có các vấn đề như không sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) để cấp vốn điều lệ cho TCTD; đến năm 2020, cơ bản các NHTM có mức vốn tự có theo chuẩn Basel 2. ĐTTC đã trao đổi với TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, để hiểu rõ thêm về vấn đề này.
Thưa ông, về quy định không được sử dụng NSNN để cấp vốn điều lệ cho TCTD, có ý kiến cho rằng sẽ gây khó khăn cho NHTM trong việc tăng vốn thời gian tới. Quan điểm của ông như thế nào?
- Trước hết tôi cho rằng đây là quyết định đúng đắn và phù hợp với định hướng tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Lâu nay, cân đối ngân sách hàng năm của Quốc hội đều có phần chi sự nghiệp kinh tế để cấp cho NHNN, cho các nơi để tăng vốn điều lệ, nhưng trong giai đoạn 2016-2020 sẽ cắt hoàn toàn phần này. Hiện nay, chúng ta đang tập trung việc thoái vốn tại các DNNN nên không có lý do gì lại dùng ngân sách cấp để tăng vốn điều lệ cho các NHTM vì Nhà nước không có mục đích nắm giữ tất cả các NHTM.
Nếu Nhà nước muốn giữ tỷ lệ chi phối ở 1-2 NHTM như thông lệ các nước vẫn làm, có thể thoái vốn ở những NH khác, tập trung vốn vào các NH này để tăng vốn điều lệ lên. Đồng thời, các nghị quyết không nêu vấn đề bắt buộc phải chia cổ tức vì quyết định chia cổ tức như thế nào là do ĐHCĐ.
Trước đây xảy ra tình trạng Bộ Tài chính đòi phải chia cổ tức bằng tiền mặt vì thực chất bộ này là đại diện cổ đông. Do đó, việc tăng vốn bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành thêm để tăng vốn vẫn có thể thực hiện bình thường nếu cổ đông thông qua.
Ông nhìn nhận như thế nào về khả năng thực hiện chuẩn Basel 2 tại các TCTD theo nghị quyết của Quốc hội?
- Tiêu chuẩn Basel đã đưa ra từ lâu và điều hành của NHNN hiện nay cũng theo hướng này. Việc áp dụng tiêu chuẩn Basel 2 từ nay đến năm 2020 không quá khó vì đã nằm trong lộ trình thực thi. Đặt mục tiêu 12-15 NHTM áp dụng thành công Basel 2 xuất phát từ quá trình tái cơ cấu hiện nay cũng dự kiến cả nước chỉ còn khoảng 15 NHTM, trong đó có 4-5 NH có quy mô, năng lực cạnh tranh và tầm cỡ tương đương các NH trong khu vực ASEAN.
Đó là theo đề án tái cơ cấu NHTM trước đây đề ra. Nghị quyết của Quốc hội tiếp tục thực hiện những điều chúng ta đã đề ra trong giai đoạn đầu của tái cơ cấu các NHTM giai đoạn 2011-2015 nhưng chưa thực hiện được. Vì vậy, lần này phải tiếp tục làm, không phải yêu cầu mới và quá cao so với các NHTM. Nếu không thực thi điều này, Việt Nam cũng không thể đạt được mục tiêu tái cơ cấu các TCTD, 1 trong 3 lĩnh vực ưu tiên tái cơ cấu đề ra trong giai đoạn 2011-2015 theo Nghị quyết Trung ương 3.
Việc áp dụng tiêu chuẩn Basel 2 đã nằm trong lộ trình. Ảnh: LONG THANH
Ông vừa nói đến việc giảm số lượng NHTM, tuy nhiên, sau giai đoạn 2011-2015 tái cơ cấu hệ thống NHTM, có vẻ không nhiều NH muốn sáp nhập, hợp nhất?
- Bản chất các NH đều muốn “1 người 1 mâm”, chưa kể mỗi NH còn có ý đồ riêng. Do đó, muốn giảm số lượng NH, cách quản lý của Nhà nước là buộc họ phải tự hợp nhất với nhau nếu muốn tồn tại. Vừa qua, một số NHTM do vướng xử lý nợ xấu, phải trích lập dự phòng rủi ro với mức quá cao, nên khả năng để tăng nhanh vốn điều lệ cho từng NH rất khó khăn.
Hiện nay, việc áp dụng giải pháp như phát hành trái phiếu để tăng vốn tự có, cho thấy nhiều NH vẫn muốn xoay xở tự giải quyết. Song biện pháp này không mang lại hiệu quả lâu dài. Tôi cho rằng các NHTM quy mô nhỏ nên tự nguyện hợp nhất để phát triển lên, không nên tiếp tục mỗi NH 1 mâm như hiện nay. Nếu tiếp tục như vậy trong bối cảnh khó khăn đang chồng chất, nhất là nợ xấu như hiện nay, nguy cơ rủi ro tiềm ẩn cho hệ thống NH vẫn còn.
Định hướng của đề án tái cấu trúc là chính sách thúc đẩy NH nhỏ tự nguyện hợp nhất với nhau để tăng quy mô và sử dụng hiệu quả hơn hệ thống mạng lưới đang có, thay vì 1 NH phải phát triển mới. Hệ thống chính sách cũng đang đi dần dần tới điều này. Nếu NH nào không đủ sức tồn tại có thể phá sản.
Tôi nói rõ phá sản ở đây không có nghĩa giải thể NH đó, mà là ông chủ NH bước sang một bên để người khác quản lý. Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 vừa được Quốc hội thông qua yêu cầu đạt được Basel 2 cũng nhằm tạo cơ chế thúc đẩy các NHTM tự nguyện hợp nhất.
Trong Nghị quyết tái cơ cấu nền kinh tế, Quốc hội cũng xác định bố trí nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu. Theo ông nguồn lực phù hợp Quốc hội hướng đến là nguồn lực nào?
- Quốc hội quyết định không dùng ngân sách, tức là tiền thu thuế để xử lý nợ xấu, nhưng Nhà nước còn rất nhiều nguồn lực khác.
Thực chất thời gian qua, nợ xấu vẫn được hỗ trợ xử lý từ các nguồn lực nhà nước. Thứ nhất, NH trích lợi nhuận để lập quỹ dự phòng rủi ro, đó cũng là nguồn của Nhà nước vì NH trích lợi nhuận 25%/năm để dự phòng rủi ro và không phải đóng thuế phần này. Như vậy, trong 100 đồng trích dự phòng, Nhà nước đã góp 25 đồng. Thứ hai, NHNN dùng các công cụ như bảo lãnh vốn, tái cấp vốn cho trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.
Nguồn của NHNN chính là nguồn của Nhà nước. Trong tương lai có thể sử dụng các nguồn khác không phải là ngân sách hàng năm như quỹ cổ phần hóa. Tức Quốc hội mở cho Chính phủ hướng linh hoạt để sử dụng các nguồn lực xử lý nợ xấu, nhưng nhất quyết không dùng nguồn thu thuế của dân, vì cân đối ngân sách hiện nay rất khó khăn và không ai đồng tình dùng nguồn đó để cho mượn, cho vay giải quyết nợ xấu.
Xin cảm ơn ông.