Ðáng chú ý, mới đây, UBND thành phố Hà Nội ra văn bản chỉ đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện, nêu rõ: "Những khu đất bị thu hồi là những dự án đã giao chủ đầu tư thời hạn quá 12 tháng nhưng chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý mà không phải do nguyên nhân khách quan; khu đất chưa được đầu tư xây dựng thuộc địa bàn đặc biệt thiếu hệ thống hạ tầng xã hội, trường học; các khu đất đã có quyết định cấp đất mà chủ đầu tư vi phạm quy định trong sử dụng đất".
Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đề ra chủ trương với khu đất đã xác định chức năng xây dựng trường học thì tuyệt đối không được chuyển đổi mục đích sang nhà ở. Ðể giải quyết ngay, Sở Quy hoạch Kiến trúc được giao, khi thẩm định điều chỉnh quy hoạch cục bộ các dự án, nếu có bổ sung chức năng nhà ở phải bảo đảm phù hợp với năng lực phục vụ của hệ thống hạ tầng xã hội. Ðối với các khu đất đã được xác định chức năng xây dựng hạ tầng xã hội, không được chuyển đổi quy hoạch chức năng nhà ở.
Ðây là điều đáng mừng với hàng vạn phụ huynh khi tương lai gần sẽ không còn phải thức khuya, dậy sớm chen chân trước cổng trường mua hồ sơ xin học cho con. Hạ tầng xã hội trong các "đô thị nhỏ" sẽ được cải thiện, được đầu tư xây dựng đồng bộ. Tuy nhiên, để làm được điều ấy sẽ chẳng dễ dàng, thuận lợi gì, nếu như các cấp, ngành, các lãnh đạo chính quyền cơ sở không nghĩ đến sự phát triển chung của xã hội.
Nói vậy là vì hơn 10 năm qua, tuy Hà Nội là một trong số ít địa phương đứng đầu cả nước về tốc độ đô thị hóa, nhưng vẫn có những bất cập đã và đang tồn tại,. Ðó là, thừa căn hộ trong các khu đô thị, song lại thiếu trường học, chợ, bệnh viện, công trình công cộng. Quá tải phương tiện giao thông, lại thiếu điểm đỗ, thiếu đường giao thông... Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do việc giám sát thực hiện quy hoạch chưa tốt. Hầu hết các dự án khu đô thị mới, hạ tầng giao thông khi lập quy hoạch đều có các điểm đỗ xe, các công trình phúc lợi công cộng. Nhưng đến khi các chủ đầu tư bắt tay vào xây dựng công trình, vì nhiều lý do mà những công trình đó đã không "mọc" lên. Kết quả của đợt kiểm tra tại 10 khu đô thị mới đây cho thấy, các chủ đầu tư đều chưa thực hiện đúng các quy định về xây dựng hạ tầng xã hội, thiếu trường học, trạm y tế, sân chơi, như khu đô thị Nam Trung Yên, Yên Hòa, Mỹ Ðình, Mỹ Ðình 2, Mỹ Ðình - Mễ Trì, Dương Nội, Văn Quán - Yên Phúc, Văn Phú, Ðại Kim - Ðịnh Công, Thạch Bàn...
Sau hơn 10 năm đô thị hóa mạnh mẽ, quỹ đất nội đô của Hà Nội đã hạn hẹp. Hiện nay, Hà Nội còn rất ít những khu đất đẹp còn trống, ngoại trừ những khu chung cư, tập thể cũ nằm trong diện phải cải tạo xây dựng lại, hoặc những cơ sở sản xuất, bệnh viện, trường đại học trong danh sách phải di dời khỏi nội thành. Vấn đề sử dụng quỹ đất ấy sao cho hiệu quả đã được các nhà quản lý, chuyên gia bàn luận sôi nổi. Hà Nội chủ trương không xây dựng nhà để ở, văn phòng cho thuê trên diện tích đất ấy. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã tuyên bố: "Từ nay, Hà Nội sẽ không cấp phép xây dựng chung cư cao tầng trên vị trí cũ của các trường đại học, bệnh viện, trụ sở các bộ trong diện phải di dời". Chủ trương này đã được dư luận hoan nghênh và quan tâm theo dõi. Dư luận cũng mong rằng, chủ trương này sẽ được thực thi nghiêm túc, chứ không "tiền hậu bất nhất", tránh để quỹ đất chung biến thành đất tư, vừa lãng phí, lại gây ra áp lực giao thông, dân số... cho đô thị.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: