Theo Thông tư số 23 của bộ này, được áp dụng từ ngày 20-9, hàng trăm sản phẩm thép xây dựng, thép ống nhập khẩu thuộc một số mã hàng hóa sẽ phải trải qua quá trình xin cấp giấy phép nhập khẩu tự động. Danh mục xin cấp phép loại trừ hàng hóa tạm nhập, tái xuất, hàng nhập khẩu phi mậu dịch và hàng nhập khẩu để trực tiếp phục vụ sản xuất gia công.
Bộ Công Thương cho biết sẽ cấp giấy này trong thời hạn 7 ngày sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ nhập khẩu. Trường hợp đăng ký cấp phép qua mạng sẽ nhận được giấy phép sau 5 ngày.
Đây không phải là lần đầu tiên bộ ban hành quy định này, với mục đích là nhằm dựng lên hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu các sản phẩm thép mà trong nước đã sản xuất được. Danh mục phải đăng ký cấp phép là các sản phẩm thuộc mã 7209, 7210, 7211, 7212, 7214 và 7306 là các sản phầm thép cán nguội và một số mặt hàng thép ống.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, sản xuất các sản phẩm thép 6 tháng đầu năm nay đạt 4,637 triệu tấn, giảm khoảng 3,4% so với cùng kỳ năm 2011, đặc biệt là thép xây dựng giảm gần 11%, ống thép hàn giảm gần 4%. Tuy nhiên, do sức mua trên thị trường 6 tháng đầu năm suy giảm nên có mặt hàng thép tồn kho đến gần 40%.
Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thép lớn trong nước đều phải cắt giảm năng lực sản xuất từ 10% đến 15% so với trước, đồng thời giảm giá để đẩy sức mua trên thị trường.
Trong hoàn cảnh khó khăn, lượng thép nhập khẩu 6 tháng đầu năm đã đạt hơn 5,7 triệu tấn, trị giá hơn 4,22 tỉ đô la Mỹ, tăng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này thêm 15% so với cùng kỳ năm 2011 và tăng tổng lượng nhập thêm gần 17%. Còn tính riêng tổng lượng thép thành phẩm nhập thì tăng gần 27% so với cùng kỳ năm trước.
Các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đã yêu cầu Bộ Công Thương phải có những biện pháp ngăn chặn thép thanh, thép cuộn nhập khẩu thông thường có xuất xứ từ Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam từ 200.000 đến 300.000 tấn/tháng, chủ yếu vào thị trường phía Nam.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: