Quyết tâm để khỏe mạnh
Bước ra khỏi cuộc đại phẫu giai đoạn 2011 - 2015 được đánh giá là sóng gió nhất kể từ giai đoạn khủng hoảng châu Á năm 1998, sức khỏe của toàn hệ thống ngân hàng dù đã được cải thiện nhưng chưa được phục hồi hoàn toàn. Thực tế này đặt ra, cần phải có thêm liều thuốc bổ cùng với phác đồ điều trị mới để chữa trị giúp hệ thống ngân hàng thực sự khỏe mạnh.
Đó cũng là lý do mà Đề án 1058 về tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu (XLNX) của TCTD giai đoạn 2016 - 2020 ra đời. Mặc dù không phải là giai đoạn phức tạp nhất, nhưng hệ thống các TCTD đã phải đối mặt với không ít thách thức và có thách thức chưa từng xảy ra trong lịch sử - dịch Covid-19.
Trong bối cảnh quy mô của hệ thống ngân hàng đang phát triển nhanh, đi liền với đó là vai trò quan trọng của hoạt động ngân hàng đối với nền kinh tế, quá trình tái cơ cấu lần này được đánh giá là cam go không kém. Ðiều này đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu hoạch định các chính sách quyết liệt nhưng thận trọng, bảo đảm hài hòa lợi ích của tổng thể nền kinh tế mà vẫn đạt được mục tiêu tái cấu trúc.
Ảnh minh họa
Bám sát mục tiêu, định hướng nêu tại Đề án 1058 và Nghị quyết số 42 về thí điểm XLNX của các TCTD, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung triển khai, tăng cường giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt và theo dõi, kiểm tra kết quả XLNX cũng như kiểm soát chất lượng tín dụng của từng TCTD để kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh và hỗ trợ các TCTD tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Trong đó, NHNN giám sát chặt chẽ việc triển khai phương án cơ cấu lại của các NHTM Nhà nước, NHTMCP nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc của các ngân hàng này trong quá trình triển khai thực hiện phương án. Trước sự nghiêm khắc, cứng rắn trong các giải pháp của cơ quan quản lý, các ngân hàng đều tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, XLNX, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo một NHTMCP bày tỏ, sự khắt khe của cơ quan quản lý trong công tác tái cơ cấu là một trong những nhân tố quan trọng giúp thể lực của các ngân hàng được cải thiện rõ nét so với 5 năm trước. “Trong mấy năm qua, NHNN kiểm soát rất chặt tăng trưởng tín dụng cả về quy mô lẫn cơ cấu, chất lượng tín dụng. Nếu có vấn đề gì, NHNN cảnh báo ngay cả giám sát từ xa lẫn kiểm soát trực tiếp hồ sơ. Điều đó đã giúp cho việc tăng quy mô hoạt động của ngân hàng nhịp nhàng phù hợp với năng lực tài chính của các ngân hàng chứ không xảy ra tăng trưởng nóng. Đặc biệt nhờ sự khắt khe của NHNN trong việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt mà mấy năm qua ngân hàng đã bổ sung vốn điều lệ khá tốt, gia tăng sức mạnh tài chính, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trên thương trường trong bối cảnh hội nhập”, vị này cho hay.
Vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được kiểm soát. Kết quả, từ con số 7 cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau tính đến năm 2012 thì đến hết năm 2020 đã khắc phục hết. Nhất là sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp giảm mạnh. Tại thời điểm tháng 6/2012 có 56 cặp thì đến nay chỉ còn lại 1 NHTMCP với 1 cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau.
Với sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo và triển khai, hoạt động cơ cấu lại hệ thống các TCTD đã đạt được những kết quả quan trọng theo đúng mục tiêu, lộ trình đề ra tại Đề án 1058. Vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được kiểm soát; số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đến nay đã khắc phục hết... Quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng.
Bên cạnh đó, năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm. Nhiều ngân hàng đã lột xác từ cơ thể ốm yếu trở nên khỏe mạnh. TPBank là một điển hình. Nhờ tái cơ cấu theo hướng chuyển đổi số từ ngân hàng thua lỗ đã trở thành ngân hàng có hệ số sinh lời trong top cao của hệ thống.
Thực tế cũng cho thấy, sau tái cơ cấu sức khỏe nhiều ngân hàng được cải thiện đáng kể thể hiện qua các chỉ số tài chính. Danh sách ngân hàng cán đích sớm áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu 12-15 TCTD đạt chuẩn Basel II về an toàn vốn vào năm 2020 tại Đề án 1058 dài hơn rất nhanh. Thậm chí, nhiều ngân hàng còn hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II trước thời hạn. Đó là nỗ lực rất lớn của hệ thống ngân hàng trong bối cảnh khó khăn bủa vây.
Không chỉ người trong cuộc mà các đại biểu Quốc hội, giới chuyên gia cũng cảm nhận rõ được sự đổi thay này. Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao ngành Ngân hàng đã có bước tiến vượt bậc trong 5 năm qua. Đặc biệt, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, phép thử lớn nhất đối với hệ thống TCTD chính là dịch Covid-19, nhưng hệ thống TCTD đã không chỉ trụ vững mà có sự tham gia nhanh, kịp thời hỗ trợ sự phát triển ổn định kinh tế đất nước, đóng góp vào tăng trưởng dương của Việt Nam.
Còn bộn bề cho giai đoạn mới
Đến thời điểm này có thể khẳng định, về cơ bản các mục tiêu đặt ra trong Đề án tái cơ cấu 5 năm qua ngành Ngân hàng hoàn thành, nhưng vẫn còn điều chưa được như mong muốn. Do tác động của Covid, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng đã không thể giữ thành quả mục tiêu dưới 2% đã được duy trì trong một thời gian dài. Thực tế là nếu không có Thông tư 01/2020-TT-NHNN cho phép NHTM được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, tỷ lệ nợ xấu đã vượt 3%. Điều này có nghĩa, rủi ro nợ xấu dồn lại cho những năm tới là khá lớn. Một hạn chế nữa là XLNX tại các ngân hàng yếu kém vẫn bị kẹt do liên quan đến vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh… Bên cạnh đó, một số mục tiêu khác của Quyết định 1058 như tăng vốn cho VAMC lên 10.000 tỷ đồng vào năm 2020, tăng vốn cho các NHTM Nhà nước đến nay vẫn chưa hoàn tất.
Nợ xấu của hệ thống các TCTD được xử lý một cách hiệu quả hơn. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD giảm mạnh qua các năm, từ mức 10,08% cuối năm 2016 đến mức 4,36% tính đến tháng 10/2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2% tính đến tháng 7/2020. Tuy nhiên do tác động của dịch Covid-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã tăng lên 2,09% vào cuối tháng 10/2020 và hiện đang nỗ lực kiểm soát chặt chẽ để hạn chế phát sinh nợ xấu mới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặc biệt lưu ý ngành Ngân hàng phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với XLNX, bảo đảm hiệu quả, an toàn hệ thống, an ninh tiền tệ, tín dụng. Đồng thời, thông qua tái cơ cấu để hỗ trợ thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trước tác động của đại dịch Covid-19 ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, cần rà lại, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan nhất là về thi hành án, xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi tài sản, bảo đảm nhanh, thuận lợi, thúc đẩy XLNX và cơ cấu lại ngân hàng yếu kém. “Trong quá trình xử lý yêu cầu bảo đảm lợi ích tổng thể và thu hồi tối đa tiền và tài sản, giảm thiểu thiệt hại, xử lý đúng mức, khôn khéo, có lý có tình với tinh thần chủ động khắc phục hậu quả, chặt chẽ, đúng pháp luật”, Thủ tướng lưu ý thêm.
Lường đón những thách thức đặt ra, lãnh đạo NHNN cho biết, trong lộ trình tái cơ cấu giai đoạn tới đây NHNN tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các TCTD, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. NHNN tiếp tục theo dõi, nắm bắt kịp thời các diễn biến bất thường có nguy cơ rủi ro để kiến nghị, khuyến nghị, cảnh báo TCTD xử lý kịp thời nhằm ngăn ngừa, hạn chế rủi ro trong hoạt động của TCTD; Chỉ đạo TCTD tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng; tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh; tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.
Đặc biệt, NHNN tiếp tục giám sát chặt chẽ và chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với XLNX đã được phê duyệt. Trong đó, tập trung chỉ đạo cơ cấu lại các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống các TCTD..
Giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về cơ chế Để đảm bảo công tác XLNX theo Nghị quyết 42 và công tác cơ cấu lại theo Đề án 1058 được triển khai có hiệu quả, đồng thời các TCTD tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo và đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan đề xuất Chính phủ về các giải pháp để giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về cơ chế cũng như trong thực tế áp dụng Nghị quyết số 42. Trong đó xem xét, nghiên cứu việc Luật hóa XLNX nhằm quy định cụ thể về việc XLNX, xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng, nâng cao vai trò, năng lực của VAMC và tạo động lực cho các TCTD XLNX đạt hiệu quả. Thời gian tới, NHNN xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực tài chính và quản trị điều hành của các TCTD, hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu của nền kinh tế. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: