Nhấn mạnh rằng kỳ họp thứ 6 là lần thứ ba Quốc hội xem xét dự án Luật Đất đai, trong khi các dự án khác thường chỉ kéo dài hai kỳ họp, Chủ tịch yêu cầu hội nghị chuyên trách “phải thông” được những nội dung quan trọng.
Theo kế hoạch về hội nghị này, 180 vị tham dự sẽ gồm cả các chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực liên quan, đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Thường trực Ủyban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
Đây được coi là bước đệm quan trọng để có thể thông qua dự án luật, mà nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là “rất không bình thường”, tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội dự kiến sẽ bắt đầu từ 21/10 tới đây.
Chiều 12/9 vừa qua, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến để hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu chỉ chọn 5 - 7 nội dung quan trọng để “cùng nhau xem xét lần nữa cho chắc chắn, tạo đồng thuận cao” tại hội nghị đại biểu chuyên trách.
Nhấn mạnh rằng kỳ họp thứ 6 là lần thứ ba Quốc hội xem xét dự án luật này, trong khi các dự án khác thường chỉ kéo dài hai kỳ họp, Chủ tịch yêu cầu hội nghị chuyên trách “phải thông” được những nội dung quan trọng. "Như vậy là được khoảng 130 người rồi, thêm Thường vụ mình ngồi đấy nữa", ông nói.
Đây cũng không phải lần đầu tiên Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng không giấu được lo lắng với số phận của dự án luật vốn rất long đong này.
Bởi, ở kỳ họp Quối hội thứ 5 diễn ra giữa năm nay, chỉ trước giờ biểu quyết khoảng hai ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu về phương án lùi thời điểm nhấn nút đến kỳ họp sau và nhận được sự đồng thuận của đa số.
Nhiều nội dung quan trọng khác cũng đã được xin ý kiến các vị đại biểu ngay từ lúc đó. Và, kết quả được thể hiện tại dự thảo báo cáo tiếp thu giải trình do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày cho thấy sự tán thành cao với quy định tại dự thảo luật.
Đáng chú ý là, một số nội dung được sự quan tâm đặc biệt của cả cử tri và đại biểu Quốc hội, đáp án cũng khá rõ ràng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, 370 đại biểu đồng ý với quy định "đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu", 18 vị không đồng ý.
Báo cáo giải trình tiếp thu dự án luật mới nhất của Chính phủ được trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, có ý kiến đề nghị nên nghiên cứu thêm về đa sở hữu đất đai; xem xét quy định đất ở, đất vườn ao thuộc sở hữu tư nhân; Quốc hội nên cho lấy phiếu biểu quyết hoặc trưng cầu dân ý về vấn đề đa sở hữu để thể hiện ý chí của toàn dân.
Theo cơ quan soạn thảo, chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai đã được quy định tại Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Đất đai là thành quả do công sức khai phá, bồi bổ của các thế hệ người Việt Nam và là thành quả cách mạng to lớn của nhân dân ta. Quá trình lấy ý kiến, đa số ý kiến nhân dân khẳng định và đồng tình với chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Việc tiếp tục quy định sở hữu toàn dân đối với đất đai là phù hợp với bản chất chế độ xã hội ta. Do đó, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Với quy định thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế, xã hội, kết quả xin ý kiến cho thấy có 265 đại biểu đồng ý, 109 đại biểu không đồng ý.
Đề nghị Quốc hội cho giữ quy định thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế, xã hội như trong dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp đã dự kiến quỹ đất sử dụng cho các mục đích, trong đó có quỹ đất dành cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Các dự án phát triển kinh tế, xã hội thuộc lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng phải do Nhà nước thu hồi đất để bảo đảm thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã tách các trường hợp sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế, xã hội mà không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất thành điều mới và giao cho Chính phủ quy định cụ thể.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn đề nghị phải quy định cụ thể hơn để tránh tùy tiện, như cấp nào thì được quyết định thu hồi đến mức nào và tránh trùng với thu hồi vì lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng.
Bên cạnh hai vấn đề lớn nói trên, các nội dung liên quan đến thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất... tại dự thảo luật cũng nhận được tỷ lệ tán thành khá cao.
Dù vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vẫn dặn cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu thêm ý kiến đóng góp, rà lại thật đầy đủ để tới đây trình Quốc hội “có đầu có đũa” chứ không phải là giải trình tiếp thu bình thường, để Quốc hội đọc và suy nghĩ thêm.
Bởi theo sự nhấn mạnh của Chủ tịch thì đây là "dự án luật rất quan trọng, là tư liệu sản xuất, sinh sống, làm mồ làm mả khi qua đời nhưng đất đai lại không sinh ra, mà chỉ từ thế hệ này đến hệ khác nối nhau, nên nó điều chỉnh các mối quan hệ mang tính chính trị, nếu chúng ta giải quyết tốt thì ổn cho xã hội. Lâu nay khiếu tố tham nhũng tiêu cực cũng từ cái đất đai này, nó liên quan thiết thực đến đời sống của dân và sự ổn định chính trị kinh tế xã hội của đất nước".
Vì thế, theo Chủ tịch, kỳ họp Quốc hội tới phải “quyết tâm thông qua chứ không thể kéo dài mãi!”.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: