Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết sẽ xử lý nghiêm chủ đầu tư cố tình chây ì cấp sổ hồng cho người dân.
Xem xét xử lý hình sự
Ông Hà dẫn quy định hiện hành, cho biết 50 ngày sau khi bàn giao nhà ở cho người mua nhà, chủ đầu tư phải thực hiện việc làm các thủ tục để cấp chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở cho người dân. Pháp luật cũng đã quy định chế tài xử phạt có thể lên tới 1 tỉ đồng đối với các chủ đầu tư chậm trễ việc này.
Bộ trưởng cũng thừa nhận trên thực tế có hiện tượng chủ đầu tư chây ì làm sổ hồng cho người mua nhà, nhưng số lượng này không nhiều. “Số liệu thống kê của chúng tôi cho thấy, tranh chấp về việc này chỉ chiếm 2% trong tổng số những tranh chấp về nhà chung cư. Tuy nhiên, số lượng người dân, hộ dân thì lại rất lớn. Cho nên, đây là một vấn đề cần được tập trung giải quyết”, Bộ trưởng cho biết.
Theo ông Hà, nguyên nhân chính là do chủ đầu tư thực hiện chưa đầy đủ các thủ tục để cấp quy hoạch, sử dụng đất và sở hữu nhà ở. Bên cạnh đó, mặc dù đã thực hiện đầy đủ các thủ tục, nhưng một số chủ đầu tư vẫn cố tình chậm trễ trong việc làm các thủ tục cấp quyền sở hữu nhà cho người dân.
Về giải pháp, ông Hà cho biết, Bộ Xây dựng đã trao đổi với Bộ Tài nguyên và Môi trường để có sự thống nhất và báo cáo với Quốc hội.
Theo đó, đối với các loại dự án đã thực hiện xong thủ tục mà chủ đầu tư cố tình chây ì, đề nghị các địa phương tập trung xử lý nghiêm khắc trong việc xử phạt vi phạm hành chính. Nếu vẫn cố tình thì chuyển sang các cơ quan điều tra để xem xét và xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với các dự án còn thiếu một số thủ tục pháp lý để cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở cũng cần phải xử lý đồng thời song song 2 việc. Thứ nhất, giải quyết các thủ tục pháp lý mà chủ đầu tư chưa thực hiện, đồng thời cũng phải thực hiện ngay việc cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở cho người dân.
“Giải pháp đối với mỗi địa phương là khác nhau, mỗi dự án cũng khác nhau, chúng tôi đề nghị các địa phương có báo cáo rà soát cụ thể và trao đổi ý kiến với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng để có hướng giải quyết”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị cần phải thực hiện một số giải pháp căn cơ hơn như điều chỉnh các quy định của pháp luật về việc nghiệm thu nhà ở, nghiệm thu công trình xây dựng, rồi sửa đổi bổ sung một số điểm của Nghị định về hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản để đảm bảo cho việc cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở cho người dân, chuyển đổi dự án được chặt chẽ hơn.
Xử lý nghiêm, kịp thời các dự án treo
Về vấn đề quy hoạch treo và tình trạng chậm trễ cấp quyền sử dụng đất, ông Hà cho biết quy hoạch treo là loại quy hoạch đã được lập và phê duyệt nhưng thực hiện chậm, hoặc không thực hiện được toàn bộ hoặc một số nội dung quy hoạch, hoặc không thực hiện được một số dự án, nhất là các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ đã được xác định trong quy hoạch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi hợp pháp và đời sống của người dân.
Điều đó được thể hiện chủ yếu ở hai mặt ảnh hưởng đến việc làm, sinh kế và việc xây dựng cải tạo nhà ở của người dân, đồng thời làm giảm hiệu quả của việc phát triển đô thị lãng phí tài nguyên và gây bức xúc trong nhân dân.
Nguyên nhân dẫn đến quy hoạch treo, theo ông Hà, chủ yếu là do chất lượng quy hoạch thấp, thiếu tầm nhìn, xác định một số tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch chưa chính xác, không phân lập các loại quy hoạch liên quan theo quy định, đặc biệt là quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và quy hoạch chi tiết 1/500, không xác định các yếu tố điều kiện thực hiện nhất là về nguồn lực đầu tư để thực hiện đồng bộ các dự án trong quy hoạch.
Ngoài ra, việc tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch sau khi công bố chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định. Nhất là việc công khai quy hoạch, xây dựng kế hoạch – xây dựng quy hoạch, không kịp thời rà soát đánh giá điều chỉnh quy hoạch. Một số địa phương còn chủ quan, nóng vội cho việc mở rộng khu công nghiệp, mở rộng việc phát triển khu đô thị chưa tính toán đầy đủ chính xác các yếu tố nguồn lực phát triển nên không thực hiện được các chiến lược quy hoạch, năng lực một số chủ đầu tư yếu kém.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, sau kỳ họp Quốc hội và sau khi Quốc hội có ý kiến, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05 về tăng cường, chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt. Trong đó đã giao các nhiệm vụ cụ thể, cho các bộ ngành và địa phương.
Bộ Xây dựng cũng đã ban hành một số quy chuẩn kỹ về hạ tầng, nhà ở, hoàn thành cổng thông tin quy hoạch quốc gia theo Nghị quyết số 83 của Quốc hội.
Luật Quy hoạch đã có một số quy định đảm bảo đồng bộ một số quy hoạch, loại bỏ quy hoạch không phù hợp, giấy phép xây dựng, chứng chỉ quy hoạch…
Luật Xây dựng 2014 cũng đã có quy định là nếu như quy hoạch cấp huyện đã được công bố, nếu 3 năm sau không thực hiện thì người dân được cấp phép xây dựng có thời hạn về cải tạo, thậm chí cả xây mới nhà ở có thời hạn ghi trong giấy phép xây dựng. Nếu hết thời hạn này mà quy hoạch vẫn không thực hiện được thì người dân tiếp tục được thực hiện giấy phép đã được cấp về cải tạo và xây dựng mới nhà ở.
“Chúng tôi nghĩ đây là quy định bước đầu, cũng đã giải quyết được một phần về cải tạo và xây dựng nhà ở cho người dân trong vùng quy hoạch treo”, ông Hà nhận xét.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, các địa phương cần có lộ trình cụ thể để rà soát đánh giá, thực hiện quy hoạch theo quy định, có sự điều chỉnh đúng đắn, kịp thời, tránh việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện và quy hoạch treo. Lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm phải bố trí đủ nguồn lực để đầu tư các công trình hạ tầng theo quy hoạch xây dựng, điều chỉnh và bổ sung kịp thời, đồng thời triển khai các quy hoạch kế hoạch sau khi công bố quy hoạch.
Tiếp tục điều chỉnh quy hoạch bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan về quy hoạch, bổ sung các nội dung về các công cụ quản lý phát triển đô thị; thực hiện đầy đủ, thực chất việc lấy ý kiến người dân, cộng đồng, chuyên gia trong các quá trình lập, điều chỉnh và công khai cũng như giám sát việc thực hiện quy hoạch.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: