Ngày 30-3, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm đã tuyên chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn, chấp nhận một phần yêu cầu độc lập của người liên quan và bác kháng cáo của bị đơn. Tòa sửa án sơ thẩm và tuyên buộc vợ chồng bị đơn T. hoàn trả tài sản thừa kế cho nguyên đơn M. và người liên quan mỗi người một suất thừa kế hơn 198 triệu đồng.
Theo hồ sơ, cha mẹ của nguyên đơn, bị đơn có phần đất gần 10.000 m2. Năm 2000, người cha đã đăng ký nhưng chưa được cấp giấy đỏ thì mất nên sau đó cơ quan chức năng ghi tên người mẹ trên giấy.
Năm 2003, người mẹ đã làm hợp đồng tặng cho toàn bộ đất cho bị đơn.
Năm 2005, người mẹ chết không để lại di chúc. Ông bà có bốn người con: Nguyên đơn M., bị đơn T., một người chết năm 1977, không có vợ, con; một người chết sau bà 15 ngày, có chồng và hai con.
Vào các năm 2009 và 2010, Nhà nước đã thu hồi tổng cộng gần 7.500 m2 đất và bồi thường gần 2,3 tỉ đồng (trong đó, riêng giá trị đất là hơn 1,8 tỉ đồng) và còn lại hơn 1.000 m2 đất.
Năm 2010, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế…
Xử sơ thẩm lần đầu, TAND quận Bình Thủy bác yêu cầu của nguyên đơn và người liên quan vì cho rằng người liên quan (gồm chồng và hai con của người em gái của bà M., người chết sau mẹ bà M. 15 ngày) không phải là thừa kế thế vị và di sản đã cho hợp pháp rồi nên không chia nữa.
Sau đó, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm hủy án vì cho rằng xác định thừa kế thế vị là sai, tài sản còn thời hiệu chia thừa kế.
Xử sơ thẩm (lần hai), tòa tách vụ án làm hai vụ, vụ của nguyên đơn kiện thì đình chỉ. Sau đó, tòa phúc thẩm (lần hai) hủy quyết định đình chỉ vì tách, nhập vụ án sai.
Xử sơ thẩm (lần ba) hồi tháng 4-2015, TAND quận Bình Thủy xác định di sản chia thừa kế là tài sản của người cha khi chết để lại cho vợ và ba người con. Tức là 1/2 tài sản chung của cha mẹ nguyên đơn, bị đơn trừ đi diện tích đất đã bán (1.200 m2). Tòa tính ra tài sản của người cha để lại chia làm bốn kỷ phần, mỗi kỷ phần được gần 900 m2. Do trước khi chết, người mẹ đã tặng cho hết bị đơn nên khi chết không còn tài sản phát sinh thừa kế. Từ đó, tòa lập luận theo hội đồng định giá tài sản trong tố tụng dân sự thì loại đất trồng cây lâu năm tại vị trí tranh chấp có giá là 180.000 đồng/m2 (trong khi giá đất Nhà nước đã bồi thường hai lần đều cao hơn giá này). Tương ứng với diện tích đã chia như trên, mỗi kỷ phần được hơn 160 triệu đồng.
Sau đó, cả nguyên đơn, bị đơn và người liên quan đều đồng loạt kháng cáo.
Xử phúc thẩm lần này, TAND TP Cần Thơ xác định các lần thu hồi đất của Nhà nước đều nằm trong khối tài sản chung vợ chồng của cha mẹ bà M. Do đó, di sản để chia thừa kế gồm 1/2 giá trị đất được bồi thường (vật kiến trúc và cây cối không được tính là tài sản để chia vì thuộc công chăm sóc, xây dựng của bị đơn) và 1/2 diện tích đất còn lại.
Tòa này nhận định khi người cha chết phát sinh thừa kế cho vợ và ba người con. Do bị đơn là người ở chung nhà và có công chăm sóc cha mẹ nên được hưởng thêm một kỷ phần.
Từ đó, tòa chia di sản của người cha làm năm phần bằng cách chia trực tiếp tiền bồi thường đất qua hai lần bị thu hồi, mỗi kỷ phần được hưởng tương đương 180 triệu đồng. Phần đất còn lại chia năm phần, tính bằng tiền tương đương 18 triệu đồng/kỷ phần và đã tuyên sửa án như trên.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: