Hà Nội đang chịu sức ép quá tải về hạ tầng đô thị. Điều này biểu hiện ngày càng rõ rệt qua tình trạng ùn tắc giao thông, môi trường ô nhiễm, hệ thống nước sinh hoạt...
Để đô thị phát triển ổn định, bền vững, thì quy hoạch không thể đi sau hoặc song hành. “Quy hoạch phải là kim chỉ nam đảm bảo chuẩn chỉ về hạ tầng kỹ thuật, cơ cấu dân số, mục đích sử dụng đất. Quan trọng nhất là phải kiểm soát được tình trạng thích xây gì thì xây - KTS Trần Huy Ánh nhận định như vậy khi trả lời phỏng vấn của Kinh tế & Đô thị.
Điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, vô lối
Về mặt lý thuyết, cơ sở hạ tầng phải đi trước bất động sản một bước. Thế nhưng ở Hà Nội, nhiều dự án địa ốc đang phát triển nhưng cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được. Thực tế hiện nay đang có tình trạng chủ đầu tư thích xây thế nào thì xây. Quan điểm của ông về tình trạng này?
- Từ quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, Hà Nội đã triển khai 37 quy hoạch phân khu. Nếu lấy kịch bản phát triển Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050 là cơ sở quy hoạch thì đã tồn tại được 6 năm. Quy trình thực hiện các dự án phát triển bất động sản vì thế cần căn cứ vào quy hoạch chung được TP phê duyệt. Từ đó, triển khai quy hoạch phân khu đến các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để triển khai dự án.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh.
Bản quy hoạch chung, dù chưa thật sự hoàn hảo nhưng ít nhất về mặt thủ tục cũng là một kịch bản phát triển. Nó như “khung sườn”, cơ sở pháp lý, lập luận khoa học để căn cứ triển khai quy hoạch chi tiết. Nếu xét theo trình tự từ trên xuống dưới, từ trước đến sau thì trong 6 năm qua, rất nhiều dự án bất động sản bỏ qua các chỉ tiêu tính toán, kỹ thuật theo quy hoạch tổng thể chung của Hà Nội. Nguyên nhân là chạy theo lợi nhuận, bất chấp sự thiếu hụt về mặt hạ tầng. Do vậy việc chủ đầu tư thích xây thế nào thì xây là thực tế. Ở góc độ tích cực, có vẻ như chính quyền quản lý tạo điều kiện cho sự phát triển của DN. Nhưng ngược lại, trực tiếp phá vỡ các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị về cơ cấu dân số, mục đích sử dụng đất. Từ đó, dẫn đến tình trạng quá tải, luẩn quẩn đối phó quy hoạch tự phát. Nghịch lý ở chỗ, dù đã có quy hoạch chung song vẫn cấp phép tràn lan sau khi quy hoạch chung Thủ đô được phê duyệt. Mớ bùng nhùng chỉnh, sửa cho thấy chúng ta đang “đểnh đoảng” trong quản lý quy hoạch.
Mới đây nhất, hàng nghìn hộ dân chung cư lại khốn khổ xoay xở để chống chọi lại với cảnh mất nước sinh hoạt. Nhìn chung, lượng nước cấp thực tế không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Theo ông, căn nguyên cốt lõi liệu có phải xuất phát từ việc quy hoạch chạy trước hạ tầng?
- Tình huống này tương đối phổ biến ở các khu đô thị mới, đặc biệt trong khu nhà cao tầng, những công trình xây dựng ở lô đất đầu nguồn. Hạ tầng, nguồn cấp nước sử dụng công cụ bơm công suất lớn, để đáp ứng nhu cầu của cư dân tại đây. Trong khi điều này có thể làm giảm áp lực nước ở những khu vực khác, dẫn đến tình trạng mất nước. Có thể nhìn thấy ngay lỗi thuộc về chủ đầu tư. Tuy nhiên, để chủ đầu tư thực hiện được là do cấp chính quyền cơ sở, cơ quan tham mưu cho “lọt lưới” những công trình thiếu hụt hạ tầng. Nếu không nhanh chóng rà soát để khắc phục một cách rốt ráo thì Hà Nội dù có quy hoạch chung vẫn phát triển tự phát. Điển hình như Khu đô thị Linh Đàm, số 8 Lê Trực… với những phương án phi kỹ thuật, không theo quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trường hợp có điều chỉnh phải có lập luận, chuẩn bị về mặt tính toán, đầu tư hạ tầng thích ứng và cam kết bổ sung sự thiếu hụt hoặc điều chỉnh công suất hạ tầng. Dù vậy, những tình huống này hầu như không xuất hiện, vẫn cấp phép tràn lan những dự án có mật độ sử dụng đất cao, cư trú lớn để bán được nhiều mét vuông sàn.
Đó cũng là nguyên nhân phá vỡ quy hoạch mà như lãnh đạo TP Hà Nội từng nói: “Chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội”. Hiện tại, quy hoạch đang bỏ qua tất cả những quy trình từ trên xuống dưới. Từ tỷ lệ 1/10.000 đến 1/2.000 rồi xuống 1/500 thì chắc chắn cấu trúc Hà Nội sẽ bị phá vỡ, nảy sinh các vấn nạn tắc đường, ô nhiễm, ngập úng, rác thải, thiếu nước sinh hoạt… vì hệ thống hạ tầng quá tải nhưng vẫn tiếp tục dồn cứng vào trung tâm.
Đừng thỏa hiệp
Rõ ràng việc cấp phép ồ ạt các dự án vẫn chưa chú ý đến quy hoạch giao thông và cấp thoát nước. Bài toán quy hoạch xây dựng chung cư hay đầu tư hạ tầng trước vì thế vẫn rối như canh hẹ?
- Quy hoạch hiện nay không còn quá nhiều vai trò bởi có thể sửa bất cứ lúc nào. Có thể thấy rõ nhất là mỗi khi có khu đô thị mới ra đời, hoặc thậm chí là những siêu đô thị trong nội đô với mật độ nhà cao tầng dày đặc sau khi hoàn thành xong đều được lấp đầy. Trong khi đó, phía Tây Hà Nội có những khu đô thị 10 – 15 năm nay biến thành khu "đô thị ma". Thế thì quy hoạch để làm gì? Khi mọi toan tính về quy hoạch đều vô nghĩa. Hoặc với quy hoạch khu trung tâm chẳng hạn. Đáng chú ý là ồn ào xây chung cư 50 tầng ở khu vực Ba Đình. Thế nhưng, đến Thủ tướng cũng phải khẳng định chẳng có một lý luận cho phép xây cao tầng như vậy. Bởi mảng lề đường không tăng lên 1m nào, cái “ruột” mèo hiện đã tắc nghẽn kinh khủng. Bây giờ, “lùa” một lượng dân cư gấp 5 lần như thế thì khác gì băm nát đô thị? Cần thẳng thắn xem xét cơ quan tham mưu cấp phép đã hoàn thành trách nhiệm chưa? Nếu không thì mở rộng phạm vi tranh luận với sự tham gia của nhiều chuyên gia khoa học ở các dự án. Từ đó tuân thủ thực hiện đúng quy trình mà từ quy hoạch thủ đô đã duyệt để triển khai theo quy hoạch chi tiết và quy hoạch dự án.
Trụ cột các đơn vị quản lý để kiểm soát bộ mặt đô thị là có nhưng tại sao quy hoạch đô thị vẫn bị vỡ trận, thưa ông?
- Chúng ta thấy rằng, việc quy hoạch bị vỡ trận được nhận ra đầu tiên khi các vị lãnh đạo TP thẳng thắn nêu khuyết điểm trong quản lý quy hoạch. Người thứ 2 chính là truyền thông, các chuyên gia phát hiện và mổ xẻ, phân tích. Trong khi đó, các cơ quan quản lý lại có vẻ như chưa bao giờ muốn phát hiện ra. Nếu vai trò trụ cột không hoàn thành thì rất hài hước. Chúng ta cần suy nghĩ và cân nhắc. Trong khi đó, đáng lý ra trong vai trò tham mưu phải phát hiện, ngăn chặn lại thì đôi khi lại thỏa hiệp bằng những phương án được hợp thức hóa theo đúng quy trình. Luật Quy hoạch đô thị quy định rõ, khi ban hành phải đảm bảo được tính công khai. Phải đưa ra những nguy cơ dự án đó tương tác với dân sinh, dân kế và môi trường hạ tầng xã hội thay vì chỉ tô hồng tích cực.
Vấn đề quy hoạch đuổi hạ tầng ở Hà Nội đã hiện rõ. Nếu chúng ta không có giải pháp thì vỡ trận sẽ càng ngày càng trầm trọng hơn. Ông có thể đưa ra một vài giải pháp cho căn bệnh này của đô thị?
- Quy hoạch chung đã được công bố rất chi tiết nhưng quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết còn mù mờ. Do đó, rất khó để xã hội và chuyên gia có cơ sở phản biện. Quan trọng nhất để chữa căn bệnh này là tất cả dự án, quy hoạch phải minh bạch toàn bộ để tham vấn xã hội rộng rãi. Nếu cơ quan quản lý thực hiện lỏng lẻo thì cần xã hội giám sát. HĐND, Quốc hội với chức năng phản biện phải có đầy đủ thông tin. Mà từ thông tin đó, mới tập hợp các nội dung và kiến nghị để lập luận phản bác hoặc đòi hỏi quy hoạch đúng theo quy trình.
Xin cảm ơn ông!