Nhiều ông chủ doanh nghiệp xây dựng cho biết, ngành này đang hứng chịu nhiều tác động từ lãi suất cao, thuế cao, chính sách đất đai vẫn còn chồng chéo, đặc biệt là thủ tục ở các địa phương đang rất chậm chạp do dịch bệnh. Nên dù rất nỗ lực nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản đang phải đứng bên bờ vực phá sản.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xây dựng ở Hải Dương chia sẻ, hơn 1 năm qua, doanh nghiệp của anh gặp khó khăn trăm bề, gần như không có việc để làm vì doanh nghiệp chuyên làm về thiết kế, thi công xây dựng công trình, trong khi đợt dịch bùng phát lần thứ ba tại Hải Dương khiến hoạt động sản xuất kinh doanh ở đây tê liệt. Vừa rục rịch hoạt động trở lại được 1, 2 tháng thì dịch bùng phát lần thứ tư, nhiều địa phương giãn cách, trong đó có Hà Nội - nơi công ty anh thi công nhiều công trình nhất - nên mấy tháng nay, công ty gần như không bất động, nhân viên chỉ có thể tư vấn, trò chuyện với khách hàng qua điện thoại.
Trong khi nguồn thu không có thì các khoản nợ thuế, lãi vay ngân hàng vẫn dồn dập…khiến doanh nghiệp kiệt quệ về tài chính. Dù vậy, lãnh đạo công ty vì không nỡ lòng cho nhân viên nghỉ việc nên cố gắng trả lương đều đặn.
Gồng gánh trong cơn khủng hoảng, có thời điểm, anh phải “rút sạch” sổ tiết kiệm để chi trả lương, lãi ngân hàng và các khoản chi phí hàng tháng lên đến vài tỷ đồng.
Dịch COVID-19 khiến nhiều chủ đầu tư điêu đứng vì dự án không thể triển khai. (Ảnh minh họa).
“Để giữ chân nhân viên, tôi vẫn nỗ lực trả lương đều đặn cho họ nhưng chắc cũng không thể cầm cự được lâu”, anh chia sẻ.
Rơi vào cảnh tương tự, lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội cũng chia sẻ, doanh nghiệp anh có hơn 200 nhân viên và hiện chỉ có 2 dự án bất động sản đang thực hiện. Một dự án đã xong và bán hết hàng từ năm 2015, một dự án được phê duyệt từ năm 2017 nhưng phải đến đầu năm 2021 mới xin xong giấy phép, hiện đang xây móng.
Theo dự kiến, dự án sẽ ra hàng vào đầu tháng 6/2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đã ngừng thi công từ vài tháng nay.
Do phải ngừng hoạt động, nên tiến độ của dự án không đúng như kế hoạch đề ra. Cũng vì thế, kế hoạch bán hàng của công ty bị chậm lại, chưa biết đến khi nào mới có thể thực hiện được.
“Cứ chậm tiến độ 1 tháng là chúng tôi lại thiệt hại vài tỷ đồng tiền lãi vay ngân hàng, tiền lương nhân viên, tiền chi phí cơ hội (nếu bán được hàng sớm thì sẽ có thêm dòng tiền, bớt lãi vay)”, vị lãnh đạo doanh nghiệp BĐS than thở.
Vị này cho biết, mỗi tháng tiền lương nhân viên của công ty anh cũng lên đến gần tỷ đồng, vì vậy, chỉ lo riêng khoản tiền này doanh nghiệp cũng thấy đuối.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO của Đại Phúc Land, trong đợt bùng phát lần này, các lệnh giãn cách xã hội, hạn chế đi lại đã làm đổ vỡ kế hoạch ra mắt sản phẩm của nhiều chủ doanh nghiệp bất động sản. Điều này khiến chủ đầu tư không có sản phẩm bán ra thị trường, đồng nghĩa với việc không có doanh thu.
“Hầu hết, các chủ đầu tư đều phát triển dự án dựa vào tiền đi vay ngân hàng. Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn như hiện nay, việc phải gánh tiền lãi hàng tháng là áp lực rất lớn với chủ đầu tư”, bà Hương nói.
Theo Tổng Cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021 có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, có 881 doanh nghiệp xây dựng và 497 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể tập trung.
Nhận định về những khó khăn của các doanh nghiệp xây dựng, ông Nguyễn Mạnh Hà – Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp không có doanh thu từ các giao dịch mua bán. Nhiều sàn môi giới bất động sản đã buộc phải cho nhân viên nghỉ việc do không có kinh phí để trả lương, nộp bảo hiểm xã hội, thuê văn phòng. Điều này khiến hàng ngàn môi giới bất động sản rơi vào cảnh thất nghiệp. Tâm lý bỏ cuộc của nhiều cá nhân đã ảnh hưởng đến tâm lý của thị trường, gây bất ổn với những lo lắng, xáo trộn.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) phân tích, cái khó “thiếu dòng tiền” có liên quan trực tiếp đến “cái khó về tín dụng”, khi mà lãi suất vay ngân hàng chưa giảm như kỳ vọng, chủ đầu tư vẫn phải trả lãi đều đặn hàng tháng.
Theo quy chế hoạt động của ngân hàng, trong trường hợp chủ đầu tư không trả được các khoản vay đáo hạn, ngay lập tức ngân hàng tự động chuyển sang “nợ xấu”, hoặc nhóm “nợ xấu hơn”. Khi phải rơi vào nhóm nợ xấu, chủ đầu tư sẽ lâm vào “bế tắc”, không thể tiếp cận được các khoản vay mới để phục hồi.
“Hiện tại, nhiều chủ đầu tư phải chạy đôn chạy đáo vay mượn, thậm chí phải “vay nóng” để trả lương và trả lãi ngân hàng, nhất là các khoản vay tín dụng đến hạn. “Kẹt tiền, kẹt vốn, bị mất thanh khoản là rủi ro lớn nhất của mọi doanh nghiệp, trong đó có cả chủ đầu tư bất động sản phải đương đầu. Việc kẹt vốn dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bị chết trên đống tài sản” của chính mình””, ông Lê Hoàng Châu nói.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: