Ông bà tôi có một mảnh đất đứng tên cả 2 người trên sổ đỏ và muốn để lại di chúc cho tôi và em tôi. Bà tôi đã mất, ông bà có 6 người con.
Luật sư cho tôi hỏi, nếu cả 6 người con và ông tôi muốn sau khi ông mất để lại mảnh đất đó cho 2 anh em tôi thì cần phải làm hồ sơ, thủ tục và chi phí như thế nao? Mong luật sư tư vấn giúp. Xin cảm ơn.
manhhd78@...
Luật sư Lê Cẩm Diệu Hà – Công ty Luật TNHH Đất Luật trả lời bạn như sau:
Theo thông tin anh cung cấp thì tài sản chung của ông bà của anh là quyền sử dụng đất đối với một mảnh đất (“QSDĐ”) và người bà đã chết mà chưa được lập di chúc, do đó ½ giá trị QSDĐ được xem là di sản thừa kế của người bà. Vì thế, để ông của bạn có thể để thừa kế QSDĐ này cho 2 anh em anh thì có thể thực hiện theo các bước sau (đây chỉ là một trong những phương án, tùy thuộc vào thực tế có thể có những cách thực hiện khác):
- Trước hết những người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết phải thực hiện thủ tục thỏa thuận phân chia di sản thừa kế tại (văn) phòng công chứng đối với phần di sản của người bà. Trong khi thực hiện thủ tục này, những người con của ông bà có thể tặng cho phần di sản mà họ được hưởng cho người ông của anh.
Hồ sơ hồ sơ yêu cầu công chứng thỏa thuận phân chia di sản gồm những giấy tờ sau:
(i) Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế;
(ii) Giấy chứng tử của người đã chết để lại di sản;
(iii) Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.
(iv) Giấy tờ tùy thân của những người thừa kế theo pháp luật.
(v) Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.
- Sau khi hoàn tất thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại (văn) phòng công chứng, người ông (và những người thừa kế còn lại nếu chưa tặng cho hết cho người ông) phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai tại Văn phòng đăng ký đất đai (chi nhánh tại các quận, huyện) để cập nhật thông tin thừa kế và được quyền sử dụng đất. Hồ sơ đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gồm:
(i) Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở;
(ii) Các giấy tờ về thừa kế như: Văn bản khai nhận di sản thừa kế (có công chứng);
(iii) Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà của người để lại di sản;
(iv) Bản sao Giấy khai sinh của người thừa kế của người chết làm cơ sở miễn nộp nghĩa vụ tài chính (thuế thu nhập cá nhân);
(v) Giấy chứng tử;
(vi) Tờ khai nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất và Tờ khai nộp lệ phí trước bạ nhà đất (trường hợp nhận thừa kế, tặng cho từ vợ, con thì được miễn thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ).
- Khi đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, người ông có thể liên hệ (văn) phòng công chứng để lập di chúc hoặc tự lập di chúc và nhờ người khác làm chứng nếu cần thiết. Tuy nhiên, nếu tự lập di chúc và có người làm chứng thì cần nắm rõ các quy định pháp luật, ghi thông tin đầy đủ và chính xác để thuận tiện hơn cho việc khai nhận di sản sau này, cụ thể phải có những nội dung như được quy định tại Điều 631 Bộ luật Dân sự dưới đây:
“Điều 631. Nội dung của di chúc
1. Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;
b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
d) Di sản để lại và nơi có di sản.
2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác.
3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.”
Đặc biệt là nếu có người làm chứng thì người làm chứng không được thuộc những trường hợp không được làm chứng theo quy định tại ĐIều 632 Bộ luật Dân sự như sau:
“Điều 632. Người làm chứng cho việc lập di chúc
Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.”
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: